Bảo hiểm vi mô kỳ vọng sang trang mới
Tọa đàm xây dựng khung pháp lý cho bảo hiểm vi mô Luật hóa mở lối bảo hiểm vi mô Đề xuất số tiền và phí bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô |
Cơ hội nối lại các sản phẩm thí điểm
Mức phí tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô theo quy định tại Nghị định 21/2023 là bằng 5% thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị. Số tiền bảo hiểm tối đa bằng 5 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của hộ cận nghèo khu vực thành thị là 2 triệu đồng/tháng (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ - PV). Như vậy, phí bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô mà các doanh nghiệp cung cấp sẽ khoảng 100.000 đồng/tháng, số tiền bảo hiểm tối đa là 120 triệu đồng.
Theo các chuyên gia lĩnh vực bảo hiểm, việc luật hóa các quy định về bảo hiểm vi mô sẽ có tác động tích cực đến việc nối lại các sản phẩm bảo hiểm phân khúc bình dân, chi phí thấp. Bởi hiện nay tốc độ số hóa đã cho phép nhiều doanh nghiệp xây dựng và phân phối các sản phẩm bảo hiểm đặc thù với chi phí rẻ nhằm khai thác phân khúc thị trường tiềm năng này.
Một số tổ chức Hội Nông dân khu vực phía Nam cũng cho biết, mức tiền này có thể xem là phù hợp với các sản phẩm bảo hiểm vi mô đã được triển khai thí điểm trong các năm giai đoạn trước. Vì thế, nếu các sản phẩm bảo hiểm vi mô tiếp tục được các doanh nghiệp nối lại thì người nghèo, người thu nhập thấp và thiếu ổn định kể cả ở khu vực thành thị và nông thôn sẽ có nhiều cơ hội chọn lựa các gói bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm sản xuất, kinh doanh và phòng ngừa rủi ro, bất trắc trong cuộc sống.
Thực tế khoảng 15 năm trở lại đây, mảng bảo hiểm vi mô đã có nhiều doanh nghiệp tham gia thử nghiệm. Tuy nhiên do chưa có các quy định cụ thể và thống nhất về pháp lý nên phân khúc này chưa phát triển mạnh. Đơn cử, từ năm 2009 các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài là Manulife, Dai-ichi và Prudential đã thử nghiệm cung cấp các sản phẩm bảo hiểm đối với nhóm khách hàng từ 18-55 tuổi, có thu nhập thấp tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và công nhân tại các khu công nghiệp. Trong đó, Manulife và Dai-ichi cũng đã làm việc với các tổ chức chính trị xã hội như Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam để phân phối các dòng sản phẩm này.
Tuy nhiên, do Luật Kinh doanh bảo hiểm thời điểm đó chưa có quy định riêng cho bảo hiểm vi mô, nên các doanh nghiệp buộc phải áp dụng các yêu cầu phân phối giống như các sản phẩm bảo hiểm thương mại khác. Vì thế, hiệu quả không cao. Cuối cùng chỉ có Manulife duy trì sản phẩm bảo hiểm này từ 2009-2020 và phát triển ra khoảng 20 tỉnh thành phố trước khi thu hẹp vì doanh thu thấp.
Bên cạnh các doanh nghiệp nước ngoài, trong các năm vừa qua, Chính phủ cũng cho phép một số tổ chức chính trị - xã hội thực hiện thí điểm bảo hiểm vi mô với tính chất tương hỗ, hỗ trợ giữa các thành viên vay vốn trong cùng tổ chức. Tuy nhiên cũng do vướng mắc về pháp lý, quy trình phân phối và khó khăn trong việc mở rộng thị phần nên các chương trình này không duy trì được lâu. Đơn cử hoạt động thí điểm bảo hiểm vi mô của Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng – CFRC đã dừng lại sau khi triển khai được 3 năm (2013-2016).
Người thu nhập thấp có nhiều chọn lựa
Theo quan sát của Thời báo Ngân hàng, trước khi Nghị định số 21/2023/NĐ-CP được ban hành, một số doanh nghiệp bảo hiểm lớn trong nước đã nắm bắt thời cơ hoàn thiện pháp ý và tranh thủ tung ra thị trường các dòng sản phẩm bảo hiểm vi mô để triển khai sớm và mở rộng địa bàn.
Chẳng hạn, đầu tháng 2/2023 vừa qua, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã triển khai chương trình bảo hiểm vi mô “An bình yên vui – An sinh hạnh phúc” với chi phí chỉ từ 44.000 VNĐ người/năm nhưng vẫn đảm bảo các quyền lợi y tế đa dạng và tối ưu, như quyền lợi tối đa lên tới 78 triệu đồng.
Trước đó, Tổng công ty Bảo hiểm PVI đã hoàn thành ký kết hợp tác với nhiều hội nông dân địa phương để hợp tác thực hiện Chương trình an sinh xã hội, phúc lợi. Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) đã triển khai sản phẩm chiến lược là Bảo An Tín dụng - sản phẩm bảo hiểm liên kết với ngân hàng mẹ Agribank…
Hay tại Bảo hiểm Bảo Việt, doanh nghiệp này đã xây dựng xong quy trình số hóa cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô thông qua Zalo mini app. Người dân tham gia sản phẩm bảo hiểm này có thể đăng ký trong vòng 5 phút và có thể lựa chọn linh hoạt các hình thức thanh toán phí thông qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (sử dụng ví diện tử, quét mã QR code, chuyển khoản ngân hàng…).
Theo đại diện Bảo Việt, để triển khai mở rộng địa bàn phân phối bảo hiểm vi mô, hiện tập đoàn này đã chủ động làm việc với các tổ chức chính trị xã hội tại nhiều địa phương để phối hợp, tập huấn và thúc đẩy phân phối bảo hiểm vi mô cho hội viên, đoàn viên của các tổ chức này.