Bảo vệ môi trường cần được ưu tiên
Báo cáo kết quả thực hiện phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam, của Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) cho thấy, đã có 32 công ty thành viên VRG xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững đạt hơn 279,3 ngàn ha; 18 công ty thành viên được cấp chứng chỉ rừng bền vững theo VFCS/PEFC-FM với hơn 118,3 ngàn ha cao su; 37 nhà máy chế biến cao su thiên nhiên, chế biến gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su được cấp chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế PEFC-CoC. Đặc biệt, trước xu hướng tất yếu của sự phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, việc áp dụng EPR theo mô hình bắt buộc là cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Để chuyển từ EPR tự nguyện sang EPR bắt buộc, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế bắt buộc, quy định phương pháp thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, áp dụng triệt để các nguyên tắc thị trường, quy định việc tổ chức thực hiện bảo đảm sự đồng thuận.
Ảnh minh họa |
Đơn cử như Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) xác định, sản xuất phải luôn gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Vì lẽ đó, công ty đã chủ động áp dụng nhiều công nghệ sạch, hiện đại và thân thiện môi trường vào quá trình sản xuất. Cụ thể, để tiết kiệm nguyên liệu sản xuất cũng như giảm tối đa việc đổ thải ra môi trường, rất nhiều loại phế phẩm đã được công ty đưa vào tái sản xuất, các loại bao bì nguyên vật liệu được tận dụng tối đa để làm dụng cụ kê, đóng tủ, bàn ghi chép, trần nhà, cửa… đem lại hiệu quả về kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), thời gian tới ngành cao su cần định hướng phát triển gắn với các tiêu chuẩn kinh tế xanh, tuần hoàn và ứng phó với biến đổi khí hậu. Lợi thế cạnh tranh của ngành cao su – nhựa hiện nay không nằm ngoài các yếu tố liên quan đến xu thế chung của thế giới như tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ thông minh, công nghệ sản xuất giảm thiểu chỉ số phát thải CO2 và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; sử dụng nguyên liệu thiên nhiên, tái chế, nguyên liệu phân hủy sinh học, thân thiện môi trường; chú trọng sản xuất các sản phẩm cao su – nhựa sử dụng nguyên liệu tái sinh, nguyên liệu có nguồn gốc sinh khối từ nông nghiệp, sản phẩm tái chế có giá trị gia tăng cao…
Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA cho biết, năm 2023, nền kinh tế nói chung và ngành cao su nói riêng đã phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn. Liên minh châu Âu đã ban hành Quy định chống mất rừng (EUDR), ngoài ra, không chỉ các quốc gia và vùng lãnh thổ dần đưa ra các cam kết và quy định chặt chẽ nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững mà các bên tiêu thụ, khách hàng cũng ngày càng quan tâm sát sao về vấn đề này. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp cao su cũng phải nỗ lực chuyển đổi để thích ứng với môi trường thay đổi nhanh chóng và liên tục, duy trì thị phần lâu dài và ổn định. Việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng, cũng như cải thiện được năng suất và giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam.
Một khảo sát do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ tài nguyên và Môi trường) thực hiện với các doanh nghiệp vừa và nhỏ về mức độ sẵn sàng thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, số doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm thu gom, tái chế và xử lý chất thải theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 là 93,55%.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các quy định mới ra đời, các sản phẩm phát thải thấp được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội tăng trưởng và tài chính là chìa khóa cho sự thích ứng và khả năng phục hồi cho các doanh nghiệp, quốc gia.