Bầu cử ở Mỹ đang được theo dõi sát sao
Nếu bị hạ xếp hạng, tác động cũng không đáng kể
XHTN quốc gia của Mỹ vẫn luôn được hầu hết các tổ chức XHTN để ở mức cao nhất, một phần nhờ vị thế của đồng USD trong vai trò là đồng tiền dự trữ của toàn thế giới, và thực tế là thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ có trị giá tới khoảng 20 nghìn tỷ USD, là thị trường lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hai trong số ba tổ chức XHTN của Hoa Kỳ là Fitch Ratings và Moody's cho biết đang theo dõi sát cuộc bầu cử Tổng thống hiện nay. Hiện các tổ chức này đều duy trì mức xếp hạng cao nhất cho Hoa Kỳ là AAA và Aaa, nhưng khẳng định rằng, bất cứ điều gì khác ngoài việc chuyển giao hoặc duy trì quyền lực một cách suôn sẻ đều có thể gây quan ngại cho XHTN quốc gia của Mỹ. Tổ chức XHTN lớn thứ ba là Standard & Poor’s, hiện xếp hạng nợ dài hạn quốc gia của Mỹ ở mức AA +, thấp hơn một bậc so với mức cao nhất, cũng khẳng định những bất đồng, chuyển giao không suôn sẻ trên chính trường có thể tác động đến xếp hạng.
Kết quả bầu cử không suôn sẻ có thể tác động đến XHTN quốc gia của Mỹ |
William Foster, chuyên gia xếp hạng cấp cao của Moody’s cho biết: “Nếu không có một kết quả bầu cử rõ ràng sau ngày bầu cử tới, chúng tôi sẽ theo dõi quá trình này một cách chặt chẽ”. Chuyên gia phân tích Charles Seville của Fitch cho biết trong một báo cáo gần đây rằng, tổ chức này sẽ theo dõi sát cuộc bầu cử này theo các kịch bản trong bối cảnh có sự gia tăng việc bỏ phiếu bằng thư và những thách thức về hậu cần tại các điểm bỏ phiếu. Theo đó, các mức XHTN cao hiện tại của Mỹ có thay đổi gì không sẽ phụ thuộc vào các quy trình "chuyển giao quyền lực được chấp nhận và thực thi rộng rãi". Còn với S&P, khi được hỏi về sự “không chắc chắn” của cuộc bầu cử sắp tới, một phát ngôn viên của tổ chức này cho biết, quan điểm hiện tại của họ đã được phản ánh trong báo cáo đưa ra từ ngày 2/4 vừa qua, trong đó khẳng định bất đồng đảng phái và chuyển giao quyền lực có thể tác động đến xếp hạng của tổ chức này.
Việc tập trung vào tiến trình của cuộc bầu cử quốc gia vào ngày 3/11 và ở các bang diễn ra khi Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm Donald Trump đã đưa ra một thông điệp “không thống nhất” về việc liệu ông có từ bỏ quyền lực nếu ông thua trong cuộc bầu cử tới hay không. Tuy nhiên cho đến nay, các cơ quan này vẫn duy trì xếp hạng của Hoa Kỳ ở các mức cao hiện tại mà không có điều chỉnh nào cho dù đại dịch Covid-19 đã tàn phá nền kinh tế và gây ra các căng thẳng trên thị trường tài chính.
Giới NĐT cho rằng, ngay cả khi các tổ chức XHTN có hạ bậc XHTN của Hoa Kỳ xuống mức thấp hơn, hoặc thay đổi triển vọng từ tích cực, ổn định sang tiêu cực thì nhiều khả năng đó cũng không phải là một đòn giáng ngay lập tức vào giá trị các trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ. Justin Hoogendoorn, trưởng bộ phận chiến lược thu nhập cố định của Piper Sandler cho rằng, việc hạ bậc nếu xảy ra có thể sẽ tác động rất nhỏ, ít nhất là trong ngắn hạn đến nhận thức của các NĐT về trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ như là một kênh đầu tư an toàn.
Diễn biến trong quá khứ đã chứng minh cho thấy điều này. Khi S&P hạ xếp hạng dài hạn của Mỹ xuống một bậc vào năm 2011 do thâm hụt tài khóa ngày càng lớn và mức nợ cao hơn, trái phiếu Kho bạc Mỹ đã phục hồi mạnh do các NĐT vẫn mua và coi đây là kênh tài sản trú ẩn an toàn. Tất nhiên nếu cùng lúc đó, có thêm Moody's, hoặc Fitch hoặc cả hai tham gia cùng S&P trong việc hạ bậc hạng XHTN quốc gia của Hoa Kỳ thì nhận thức về sự an toàn của giá trị trái phiếu Kho bạc cũng khó lòng giữ được, đặc biệt nếu căng thẳng kéo dài. Thực tế những căng thẳng kéo dài trong giai đoạn 2011, bao gồm “cuộc chiến” tại Quốc hội về mức trần nợ, đã khiến nhận thức “trái phiếu Hoa Kỳ là kênh an toàn” của các NĐT bị lung lay. Giao dịch hoán đổi tín dụng - mặc định trên trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm – chỉ số đo lường chi phí để đảm bảo nợ chính phủ Hoa Kỳ, vào tháng 8/2011 đã tăng gần gấp đôi so với một năm trước đó.
Fed sẽ can thiệp
Trở về thời điểm hiện tại, Charlie Ripley, chiến lược gia đầu tư cấp cao của Allianz Investment Management cho biết: “Chúng tôi không nghĩ rằng, trong trường hợp kết quả bầu cử bị trì hoãn sẽ gây ra bất kỳ nghi ngờ nào về khả năng tồn tại của thị trường trái phiếu có chủ quyền lớn nhất trên thế giới này”. Người ta cũng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ can thiệp kịp thời nếu xuất hiện những biến động quá lớn. Theo Omar Slim, Giám đốc danh mục đầu tư thu nhập cố định tại PineBridge Investments, Fed sẽ lại được thị trường “gọi tên” trong các tình huống như vậy.
Trong một động thái khác, Fed đang lo ngại về sự không chắc chắn khi nền kinh tế phục hồi không đều. Cụm từ “không chắc chắn” đã xuất hiện tới 20 lần trong báo cáo khảo sát Beige Book của Fed được công bố hôm thứ Tư. Theo đó, mặc dù nền kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục phục hồi trên diện rộng nhưng bức tranh là không đồng đều và còn rất nhiều quan ngại.
“Những thay đổi trong hoạt động là rất khác nhau theo từng lĩnh vực. Hoạt động kinh tế tiếp tục tăng ở tất cả các bang, với tốc độ tăng đặc trưng là ở mức “nhẹ” hoặc “khiêm tốn” ở hầu hết bang được khảo sát. Đặc trưng triển vọng chung là lạc quan hoặc tích cực, nhưng với một mức độ không chắc chắn đáng kể”, báo cáo cho biết. Báo cáo Beige Book dựa trên thông tin được thu thập bởi 12 Fed khu vực tính đến ngày 9/10.
Sự phục hồi của kinh tế Mỹ đã có một số dấu hiệu chậm lại trong những tuần gần đây khi gói kích thích tài khóa cũ đã hết hạn, gói mới chưa được Quốc hội thông qua trong khi số ca nhiễm Covid-19 mới bắt đầu hồi tăng trở lại. Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester thì cho rằng, tổ chức này cần phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo người dân hiểu những gì họ đang cố gắng đạt được với chính sách tiền tệ hiện nay.
Báo cáo Beige Book được công bố trước cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào ngày 4-5/11 tới, tức chỉ một ngày sau khi cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra. Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng Fed sẽ thực hiện một vài thay đổi đối với chính sách sau cuộc họp này. Về mặt tài khóa, hiện khả năng các nhà lập pháp sẽ đồng ý về một gói kích thích mới vẫn còn, dù mong manh. Thời gian gần đây, Nhà Trắng đã nhiều lần đề xuất về gói kích thích tài khóa trong các cuộc đàm phán với đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết bà hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận.