Bình Thuận: Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt hơn 3.900 tỷ đồng
Trong đó, nguồn cân đối từ Trung ương là 3.194 tỷ đồng, tăng 511 tỷ đồng so với đầu năm. Nguồn vốn huy động tại địa phương 501 tỷ đồng, tăng 27 tỷ đồng hoàn thành 100% so với kế hoạch được giao. Nguồn vốn nhận uỷ thác từ ngân sách tỉnh, cấp huyện đạt 224,8 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 5,73% tổng nguồn vốn, tăng 90,2 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 451,1% chỉ tiêu Trung ương giao.
Giao dịch cho vay tại Điểm giao dịch xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận |
Trong năm 2022, NHCSXH Bình Thuận giải ngân cho vay 38,4 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 1.459 tỷ đồng, bằng 155,3% so với năm 2021, trong đó cho vay 03 chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo 404 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 350 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 407 tỷ đồng, cho vay học sinh sinh viên 125 tỷ đồng,…
Đặc biệt, trong năm 2022, NHCSXH Bình Thuận đã triển khai quyết liệt Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại NHCSXH và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng Giám đốc NHCSXH.
Đến hết năm 2022, đã giải ngân các chương trình này với số tiền 279 tỷ đồng, trong đó: cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn: 15,7 tỷ đồng, để mua trên 1,1 ngàn máy vi tính và thiết bị học tập; cho vay Nhà ở xã hội 60,6 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 162 căn nhà ở xã hội; cho vay Hỗ trợ việc làm 170 tỷ đồng, với 4.059 khách hàng được vay giải quyết tạo việc làm; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập: 5,2 tỷ đồng đến 73 cơ sở giáo dục; cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi: 26,9 tỷ đồng đến 331 hộ.