Bụi chuối bên giếng nước
Ảnh minh họa |
Chuối hương là một loài cây dễ tính. Đào hố, lót phân chuồng, chôn chặt gốc, chẳng cần tưới tắm, bón chăm, cây chuối hương chỉ nhờ vào chút nước cặn dư thừa chảy tràn ra từ giếng khơi mà sống, mà đẻ thêm những cây non bậm bạp. Bụi chuối cứ thế lan tỏa ra tươi tốt, xum xuê tỏa bóng râm che mát cho một góc nhỏ bình yên để tôi thong thả ngồi rửa bát, giặt áo quần mỗi buổi trưa hè chói chang ánh nắng, giữa tiếng lá lay lay xào xạc và tiếng chim thánh thót reo mừng.
Thuở ấu thơ, từ bụi chuối bên góc giếng này, mấy đứa trẻ nghịch ngợm chúng tôi nghĩ ra biết bao trò chơi thú vị, hết trốn tìm lại xé lá chuối cuộn tròn làm kèn thổi tè to tí.
Có hôm còn chia thành hai phe, cắt sống lá thành hình cây súng giả nổ âm thanh đôm đốp để chơi bắn giáp lá cà. Đến lúc trời đột ngột đổ mưa, chúng tôi chẳng thèm chạy vào nhà. Ba, bốn đứa chụm đầu che chung một tàu lá chuối, nghe từng giọt nước rụng xuống lộp bộp, vui tai.
Mỗi lần chuối chín vàng, bao giờ bà tôi cũng cắt một nải đều quả nhất ở tầng đầu tiên, đem rửa sạch rồi đặt lên bàn thờ ông nội. Chỗ chuối còn lại, bà sắp vào rổ mang ra chợ bán. Thứ quả mộc mạc cây nhà lá vườn ấy đã đổi lại cho đàn cháu nhỏ chúng tôi những món quà giản dị mà mỗi lần nhớ lại, ký ức vẫn còn nôn nao như vừa mới hôm qua, lúc thì con tò he đủ sắc màu rực rỡ, khi thì tập vở vẫn còn nguyên mùi giấy mới thơm tho.
Ngày giỗ hay ngày cưới, chút xôi nếp, ít thịt lợn kho nhắc phần con trẻ cũng được đùm bọc trong tàu lá chuối nõn xanh. Dịp Tết, lá chuối được bà tôi vuốt phẳng phiu gói bánh chưng, bánh tét. Khi bóc bánh ra, màu lá chuối rịn vào lớp ngoài cùng của bánh hấp dẫn, mịn màng. Còn tôi, những chiều giúp bà thổi cơm, lười chạy ra sau nhà rút rơm, nên đã tiện tay với qua ô cửa sổ ám màu bồ hóng, vơ bừa lấy một nhúm lá chuối khô nhóm lửa.
Đến cả đàn lợn cũng thích cây chuối hương. Ngày con nái già trở dạ sinh bầy lợn ủn hồng hào, bà tôi nấu một nồi cháo cám trộn với nửa rổ thân bẹ chuối băm nhỏ. Có bà hàng xóm mách nước bảo, cữ này cứ cho nó ăn nhiều cám cò khắc sẽ nhiều sữa và nhanh hồi sức.
Nhưng bà tôi hiền từ đáp lại: “Tôi nuôi lợn chủ yếu để dành mổ thịt thiết đãi cháu con phương xa vào dịp lễ lạt, liên hoan. Nên cứ nuôi bằng cám gạo, rau chuối thôi cho lành bà ạ”. Chỉ ăn đạm bạc như thế mà đàn lợn của bà tôi vẫn cứ lớn nhanh như thổi, con nào con nấy béo mũm, căng tròn.
Hiếm thấy loài cây nào mà từ gốc đến ngọn đều có giá trị sử dụng như cây chuối. Những lần anh trai lui cui xách giỏ ra đồng. Lúc về thể nào cũng có một giỏ đựng đầy lươn, ốc. Lươn, ốc mà xào cùng củ chuối non, thêm chút lá lốt thái mỏng thì còn gì ngon sánh nổi. Bữa cơm thanh bần chiều muộn trở nên thú vị và ấm áp hơn. Nhớ lại cái cảnh tay bà run run gắp từng miếng thức ăn cho đàn cháu nheo nhóc mà tôi không cầm lòng được.
Bén duyên với thứ đất mùn âm ẩm bên giếng khơi, cây chuối hương bốn mùa đều xanh tươi, rậm rạp. Cứ cách vài tháng lại có thêm một buồng chuối ló ra. Buồng chuối này vừa chín, buồng chuối sau đã trổ bông đỏ dịu. Bà cháu tôi lại có thêm một món ăn mới – nộm búp chuối.
Chan chát búp chuối một khi đã quyện hòa với cay cay ớt muối, chua chua giấm thanh, ngòn ngọt đường mía, thơm thơm lá chanh, bùi bùi vừng lạc... thì cảnh tượng tiếp diễn sau đó chỉ có thể là tranh nhau cạo cơm cháy nồi xoàng xoạc mà thôi!
Những nải chuối hương bà tôi bán chợ phiên chiều chiều được tiếng vừa ngọt, vừa thơm. Láng giềng xung quanh ai cũng sang xin bứng cây non về trồng thử. Chẳng hề câu nệ điều gì, bà tôi niềm nở cười đồng ý.
Và thế là, từ góc giếng khiêm tốn nhà tôi, cây chuối hương được tỏa đi muôn nơi, muôn hướng. Để rồi bây giờ, đến chơi nhà nào, ngó vào mảnh vườn xép là thấy mấy bụi chuối phe phẩy lá đón chào. Dưới gốc, bọn con nít để tóc trái đào ba chỏm như tôi ngày xưa đang nhõng nhẽo nô đùa.
Ngôi nhà của bà tôi giờ đã có nhiều thay đổi. Nhưng bao năm qua, bên giếng khơi có rãnh nước chảy tràn róc rách, bụi chuối hương vẫn xanh mướt suốt bốn mùa. Mỗi lần tôi về, từng chiếc lá chuối thể hiện niềm hân hoan bằng cách vỗ vào nhau loạt soạt...