Bước chuyển của các doanh nghiệp dệt may
“Dưới tác động của Covid-19, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may buộc phải thu hẹp hoạt động sản xuất, 50% lượng lao động phải nghỉ việc và chỉ có thể sản xuất cầm chừng. Nếu tình hình không có dấu hiệu tốt lên, dự kiến đến cuối tháng 9, hệ thống doanh nghiệp thời trang, may mặc có thể sẽ phải đóng cửa gần như toàn bộ”, lãnh đạo Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM nhận định.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, cũng lại có nhiều doanh nghiệp tự nỗ lực bứt phá, vượt khó vươn lên. Đơn cử, trước tình hình thiếu khẩu trang trên thế giới, bắt đầu ngay từ tháng 3, không ít doanh nghiệp dệt may đã xoay chuyển chiến lược, nhập nguyên liệu để sản xuất khẩu trang vải, bao gồm cả khẩu trang vải thông thường để chống bụi; khẩu trang kháng khuẩn; khẩu trang vừa kháng khuẩn vừa kháng nước, kháng giọt bắn… Và đây đã trở thành cứu cánh để các doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng thiếu hụt đơn hàng ngày càng trầm trọng do các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật… lần lượt ngừng nhập hàng vì dịch bệnh.
Không ít doanh nghiệp dệt may đang chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế |
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, từ đầu tháng 4, công ty đã chuyển sang sản xuất khẩu trang vải với công suất 500.000 chiếc/ngày, và thu xếp cho công nhân luân phiên 1 ngày làm/1 ngày nghỉ để giữ chân lao động. Công ty hy vọng, khẩu trang vải có đầu ra tốt và sẽ có thể tổ chức cho công nhân đi làm toàn thời gian trở lại một cách sớm nhất.
“Đây là giải pháp tình thế và là "phao cứu hộ" cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, gần đây, một số doanh nghiệp dự tính chuyển hướng sản xuất khẩu trang vải xuất khẩu. Một số nhà mua hàng nước ngoài cũng đề nghị chào hàng. Thế nhưng, hiện tại việc xuất khẩu khẩu trang cũng đang còn vướng nhiều vấn đề về tiêu chuẩn y tế, nguyên liệu, quy cách sản phẩm… Bản thân bên mua hàng cũng lúng túng và thứ họ cần thật sự là khẩu trang y tế chứ không phải khẩu trang vải", đại diện Hội Dệt may-Thêu đan TP.HCM cho biết.
Theo thống kê của Bộ Công thương, tổng cộng mỗi tháng ngành dệt may có thể sản xuất khoảng 150-200 triệu khẩu trang vải và nguồn nguyên liệu để sản xuất đang rất dồi dào. Thế nhưng theo tính toán của Bộ Y tế, đến cuối tháng 3, Việt Nam cần khoảng 30 triệu chiếc khẩu trang. Chênh lệch quá lớn giữa năng lực sản xuất và tiêu thụ đang đẩy các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải đến nguy cơ tồn kho cao, sản phẩm dư thừa, không tiêu thụ được.
Hiện nay, Việt Thắng Jean đã xuất mẫu khẩu trang vải sang Mỹ, Hà Lan, Đức… Và trong tuần sau sẽ xuất 500.000 khẩu trang vải kháng khuẩn sang Mỹ. Tuy nhiên, các đối tác nước ngoài thường có yêu cầu cao để đáp ứng các tiêu chuẩn về độ kháng khuẩn, không ảnh hưởng đến da cùng một số tiêu chuẩn khác liên quan đến sức khỏe, an toàn cho người sử dụng.
Chủ tịch Hội Dệt may-Thêu đan TP.HCM, Phạm Xuân Hồng cho biết, nhiều doanh nghiệp đang rất lo vì nguồn hàng dôi dư quá nhiều. Đã có doanh nghiệp sản xuất lượng lớn theo đơn đặt hàng nhưng bên mua không nhận hoặc đề nghị giãn tiến độ giao hàng vì tiêu thụ quá chậm.
Theo lãnh đạo Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, các vấn đề về tiêu chuẩn nguyên liệu, hay chọn thị trường nào để xuất khẩu, làm sao để thành phẩm đạt yêu cầu của bên nhập khẩu đang là thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Điều quan trọng của xuất nhập khẩu là việc xác định thị trường tiềm năng, hiện nay, khi mặt hàng khẩu trang đang dần được lấp đầy thì đồ bảo hộ lại trở nên khan hiếm trên thế giới. Các doanh nghiệp Việt bắt đầu chuyển sang thị trường Mỹ với mặt hàng này là tín hiệu tốt cho việc thích ứng với thực tiễn dịch bệnh, những lô hàng quần áo bảo hộ đầu tiên được xuất khẩu thành công sang Mỹ đã tạo khởi sắc mới cho ngành dệt may trong bối cảnh thị trường mùa Covid-19 ảm đạm.
Ở một khía cạnh khác, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.HCM, với tư cách là thành viên của VIAC - Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, chính sách hạn chế đi lại của các nước EU trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 khiến hàng hóa trở thành đối tượng bị tác động nhiều. Các lô hàng nhập khẩu cũng bắt buộc phải có kiểm dịch gắt gao như khử khuẩn, giám định, từ đó làm cho tiến trình giao dịch chậm lại. Tuy nhiên theo ông Liêm, việc EU áp dụng những lệnh trên với một số quốc gia, thực hiện quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay là phù hợp.
“Hiện nay, VCCI đã phối hợp với các hiệp hội để xác định những khó khăn hiện tại và dự liệu các tình huống có thể phát sinh trong tương lai, từ đó tổng hợp các ý kiến và kiến nghị lên Chính phủ. Trong đó kiến nghị nhiều nhất là giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế, giảm một số loại thuế suất của doanh nghiệp…”, ông Liêm cho biết.