Cải tiến công nghệ mở ra nhiều cơ hội
Hiệu quả và bền vững
Việc chủ động áp dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đã giúp nhiều doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thay đổi chính mình để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trước đây, tại nhà máy sản xuất linh kiện thân vỏ ô tô của Tập đoàn THACO Industries thuộc THACO GROUP, các dây chuyền gia công sản phẩm thân vỏ xe Kia và xe Mazda; quy trình sản xuất capo trước, capo sau và cửa xe gặp nhiều bất cập từ khâu sản xuất đến lưu kho đã làm tốn thời gian, khó kiểm soát chất lượng trên từng công đoạn, năng suất và hiệu quả công việc thấp. Chính vì vậy, mới đây, nhà máy đã thực hiện ứng dụng hệ thống ANDON (hệ thống giám sát sản xuất không dây) và cải tiến quy trình sản xuất sản phẩm thân vỏ ô tô theo hướng tự động hóa. Nhờ đó, dây chuyền gia công sản phẩm thân vỏ xe Mazda tăng năng suất đáng kể, giảm 43 ngày sản xuất, tương đương hơn 130 triệu đồng; dây chuyền gia công sản phẩm thân vỏ xe Kia tăng 10 bộ cửa xe trong 8h, giảm 28 ngày sản xuất, làm lợi hơn 40 triệu đồng… Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay, nhà máy cũng đã thực hiện 61 đề tài, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình, gia tăng hàm lượng công nghệ, tiết kiệm chi phí sản xuất hơn 220 triệu đồng.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đã giúp Thaco tiết giảm chi phí và nâng cao năng lực sản xuất |
Tương tự, để tăng chất lượng, giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm phân bón, Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ vào thu hồi triệt để chất thải rắn, đưa 100% chất thải rắn vào làm nguyên liệu sản xuất, vừa giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, vừa giảm định mức tiêu hao nguyên liệu từ 1,6 tấn/TSP xuống còn 1,25 tấn/TSP, giảm 21,8%. Nhờ đó, những năm qua, doanh nghiệp đã đạt nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý như “Sao vàng Đất Việt”, “ Bông lúa vàng”, “ Thương hiệu xanh thân thiện”, “Quả cầu vàng”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao” và ba năm liền đều lọt vào Top 10 thương hiệu Việt...
Tuy vậy, một số chuyên gia nhìn nhận, hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng nghiên cứu, đầu tư cho các công nghệ mới còn hạn chế. Công nghệ sản xuất đã lỗi thời, trong khi máy móc không đạt yêu cầu về chất lượng nên rất "ngốn" năng lượng, nhiều quy trình sản xuất phải thực hiện thủ công, làm giảm năng suất lao động và tăng rủi ro sai sót trong kỹ thuật.
Tăng cường kết nối, chuyển giao công nghệ
Đổi mới công nghệ có vai trò quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, được coi là yếu tố sống còn của doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hoá sản phẩm, tăng sản lượng, năng suất lao động, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguyên vật liệu, tiết kiệm nhân công… Do đó, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, vị thế không chỉ với doanh nghiệp, mà còn đối với cả nền kinh tế của mỗi quốc gia, vị chuyên gia này khẳng định.
Ông Phạm Thế Dũng, Phó Cục trưởng Cục ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, để thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo tại địa phương, cần thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chú trọng hơn việc hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại các địa phương ở mức độ năng lực công nghệ phù hợp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp rất mong muốn được hỗ trợ tìm kiếm công nghệ mới, phù hợp với loại hình sản xuất; được tư vấn, hướng dẫn lộ trình đầu tư, đổi mới công nghệ và được tiếp cận chính sách, nguồn vốn ban đầu để nhanh chóng tiếp cận công nghệ tiên tiến; tăng cường hoạt động liên doanh, liên kết và hợp tác, giúp các doanh nghiệp tăng cường sự tương tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật, công nghệ sản xuất với nhau.
Ông Phạm Thế Dũng cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ có hướng tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Bộ trong việc rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo... Đồng thời, theo nhu cầu của các địa phương, thời gian tới Cục sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai các chính sách trong phạm vi quản lý của Cục; hỗ trợ hoạt động đánh giá trình độ và năng lực công nghệ, kết nối công nghệ, tư vấn công nghệ-kỹ thuật, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp trong vùng và tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên sâu về các nội dung quản lý nhà nước của Cục trong thời gian tới để tiếp tục hỗ trợ triển khai các chính sách thực tiễn ở địa phương.