Luật Doanh nghiệp: Những bước tiến quan trọng
Thông qua Luật Doanh nghiệp: Bỏ quy định về hộ kinh doanh khỏi Luật |
Những bước tiến lớn
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, Luật Doanh nghiệp đã có những bước tiến lớn để tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Vừa qua, Luật Doanh nghiệp 2020 đã chính thức được thông qua, với 10 chương, 218 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Đây là sự kiện được cộng đồng DN chờ đón, chính thức có những điểm thay đổi lớn theo hướng thúc đẩy sự phát triển của DN.
Luật Doanh nghiệp 2020 được kỳ vọng sẽ góp phần vào sự phát triển của DN |
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM chia sẻ, nhìn lại về lịch sử, đã có 4 đời Luật Doanh nghiệp, cứ 10 năm, 5 năm lại sửa đổi cho phù hợp thực tế, đồng thời cải cách của Luật Doanh nghiệp luôn mang tới những điều thú vị. Trước năm 2000, DN chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép, thời gian để thành lập DN kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm với chi phí cao, kết quả là từ năm 1990-2000 chỉ có 50 nghìn DN được thành lập.
Giai đoạn 2000-2005, DN được làm những gì pháp luật không cấm, đồng thời bãi bỏ 161 giấy phép danh mục loại trừ về cấm kinh doanh. Thời gian đăng ký DN còn 15-30 ngày, tuy nhiên khái niệm quản trị công ty thời điểm đó vẫn là con số 0. Đến giai đoạn từ năm 2014-2020, một số cải cách có thể kể đến như cải cách về dấu DN, mở rộng quyền tự do kinh doanh…
Luật Doanh nghiệp 2020 với những điểm sửa đổi tích cực, từ cải cách gia nhập thị trường chuyển mạnh sang nâng cao chất lượng DN, ông Hiếu đánh giá.
Cụ thể, có một số thay đổi quan trọng và có tác động tích cực đến thúc đẩy phát triển DN và thu hút vốn đầu tư đó là: cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký DN, gia nhập thị trường; nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị DN và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến; nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động DN có sở hữu Nhà nước…
Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích, Luật Doanh nghiệp 2020 đã chính thức cho phép đăng ký kinh doanh qua hồ sơ điện tử, giảm thiểu sự tiếp xúc của DN với các cơ quan quản lý kinh doanh, từ đó sẽ rút ngắn thời gian đăng ký DN đồng thời giảm thiểu các chi phí không chính thức.
Bên cạnh đó, việc bỏ các thủ tục thông báo mẫu dấu, cho phép DN sử dụng dấu “số” là một bước tiến lớn, giảm bớt phiền hà cho DN. Ngoài ra, quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ đã được quan tâm thỏa đáng và đúng mức. Trước đây, cổ đông cần có ít nhất 10% cổ phiếu thì mới có quyền ý kiến vấn đề trong DN, giờ giảm còn 5% giúp cho các nhà đầu tư có quyền và khả năng bảo vệ tài sản tốt hơn. Từ đó buộc HĐQT và ban giám đốc của DN nỗ lực nhiều hơn để từ đó có thể công khai, minh bạch các hoạt động tài chính và sản xuất kinh doanh của DN. Đồng thời, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng tại khoản 2 Điều 114 Luật hiện hành để bảo đảm việc thực hiện các quyền của cổ đông không làm ảnh hưởng đến việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của DN.
Nâng cao về “chất” của doanh nghiệp
Theo ông Phan Đức Hiếu, điểm mới lớn nhất của Luật Doanh nghiệp 2020 là nâng cao khung pháp lý về quản trị công ty, vấn đề mà cộng đồng DN Việt đang rất yếu. Lợi ích của quản trị DN mang đến là rất lớn, khi hiệu quả hoạt động được cải thiện, quản trị rủi ro được cải thiện, định giá công ty cao hơn và cổ phiếu có giá trị cao hơn, cơ hội tiếp cận vốn tốt hơn đồng thời cải thiện sự bền vững.
Điều quan trọng lần này của Luật Doanh nghiệp là nâng cao quản trị, hướng tới sự phát triển bền vững của DN chứ không kỳ vọng tăng cao số lượng DN, ông Hiếu nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM cũng cho rằng, số lượng DN 10 triệu hay 100 triệu không quan trọng, mà quan trọng là chất lượng của DN. Vì vậy, mục đích hướng tới của Luật Doanh nghiệp chính là nâng cao chất lượng quản trị DN.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, những quy định cụ thể, rõ ràng về DN Nhà nước và trách nhiệm của DN Nhà nước cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của bộ phận DN này. Cụ thể, sẽ đẩy mạnh việc công khai hóa thông tin DN rõ ràng đầy đủ theo định kỳ của DN Nhà nước, giúp củng cố năng lực của DN Nhà nước, làm cho hoạt động quản trị của các DN này đi lên một nấc thang mới, gần hơn với các DN tư nhân.
Rõ ràng Luật Doanh nghiệp 2020 đã có tác động rất lớn tới cộng đồng DN, làm cho hoạt động kinh tế của chúng ta tốt hơn. Gần với thị trường hơn, ông Thịnh nhận định.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, cải cách thủ tục hành chính là điều cần thiết, tuy nhiên việc thực thi đúng và đảm bảo tính chuyên nghiệp khi thực thi cũng là điều quan trọng. Luật Doanh nghiệp góp phần nâng cao chất lượng quản trị DN, nhưng Luật Doanh nghiệp không phải là tất cả để nâng cao chất lượng DN mà còn phụ thuộc vào vấn đề xây dựng thương hiệu, sự vươn lên tự thân của DN.