Cân đối để giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp
Giảm thuế GTGT góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế Hơn 165.000 tỷ đồng gia hạn, miễn, giảm thuế |
Tuy nhiên, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong khi đó, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục còn nhiều bất ổn, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Ở trong nước, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành, lĩnh vực khởi sắc, triển vọng tích cực, được tiếp sức bởi các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, nhưng thách thức vẫn nhiều hơn thời cơ và thuận lợi.
Để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với diễn biến trên, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024) và giao Chính phủ tổ chức, thực hiện. Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm thì dự kiến cả năm 2024 sẽ giảm thu khoảng 47,488 nghìn tỷ đồng.
Nhìn nhận đây là một động thái tích cực, song theo các chuyên gia tại thời điểm này, tình hình doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do đó, cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của Chính phủ, kéo dài các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng.
Ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không thể làm theo cách "ăn đong" như thời gian qua, bởi doanh nghiệp cần chuẩn bị kế hoạch dài hạn. Điều này cũng khiến tác động, tính hiệu quả của chính sách bị hạn chế nhiều.
Ông Đặng Đức Anh đề xuất, nên ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đến cuối năm 2025, để doanh nghiệp có thể chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Trước mắt, trong khi chờ sửa đổi tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2026, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét ban hành nghị quyết nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc và cần sớm công bố chương trình giảm thuế giá trị gia tăng.
Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tất cả các biện pháp tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế sẽ đi liền với việc nguồn thu ngân sách Nhà nước bị ảnh hưởng. Đây là một bài toán cân đối giữa “mất” và “được”. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, cái “được” lớn hơn cái “mất”. Bởi, ngoài việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, việc giảm thuế sẽ giúp nền kinh tế được phục hồi và tăng trưởng, đồng nghĩa với đời sống của người dân được cải thiện, doanh nghiệp được phát triển. Khi đó quy mô của nền kinh tế được tăng lên, nguồn thu ngân sách nhà nước cũng sẽ tăng theo với sự ổn định và bền vững hơn.