Cần hành lang pháp lý cho Sandbox phát triển
Ứng dụng Blockchain: Phải có sandbox | |
Sandbox cho Fintech: Thận trọng là cần thiết | |
Cơ chế Sandbox cho Fintech: Cần sớm được xây dựng |
Trong những năm gần đây, hoạt động Fintech tại Việt Nam có bước phát triển nhanh vượt bậc cả về mặt số lượng, sự đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ và thu hút vốn đầu tư. Số liệu thống kê cho thấy, số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng gần gấp bốn lần từ con số khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên tới gần 200 công ty ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên hiện nhiều loại dịch vụ hiện đại đã có trên thị trường, song lại chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật nào. Bởi vậy, các DN Fintech đang mong muốn nhà nước sớm có khuôn khổ chính sách để tránh cảnh mập mờ, hoạt động “ngoài vòng pháp luật”.
Theo ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank, việc sớm đưa ra cơ chế pháp lý thử nghiệm cho các dịch vụ tài chính mới không những nâng cao hiệu quả quản lý mà còn rút ngắn thời gian xây dựng và đưa sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh đó, khi có văn bản pháp lý quy định về việc thử nghiệm các dịch vụ tài chính mới thì các Fintech và ngân hàng ở Việt Nam sẽ nâng cao sức cạnh tranh với các đối thủ ở nước ngoài.
Các ngân hàng đang đẩy mạnh số hóa |
Đơn cử, tại Singapore, tùy thuộc vào dịch vụ tài chính được đăng ký thử nghiệm, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore) sẽ xác định những yêu cầu pháp lý riêng cho từng trường hợp. Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore yêu cầu trong suốt thời gian thử nghiệm bên cung cấp dịch vụ phải chú trọng bảo mật thông tin khách hàng, quản lý tiền của khách hàng qua các trung gian tài chính, ngăn chặn việc rửa tiền, tài trợ khủng bố. Ngoài ra, cơ quan này còn có yêu cầu liên quan đến việc quản trị rủi ro của dịch vụ đăng ký thử nghiệm. Mục tiêu của việc xây dựng cơ chế thử nghiệm là làm sao chính sách đề ra tạo ra sân chơi bình đẳng, tạo ra hệ sinh thái phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Vì vậy, theo ông Hưng, cơ chế thử nghiệm Sandbox sẽ là cơ chế rất phù hợp để khuyến khích các dịch vụ mới ra đời và là nền tảng để các DN có thêm nhiều đổi mới sáng tạo trong việc phát triển sản phẩm.
Có chung quan điểm như vậy, ThS. Đồng Thị Quỳnh Lê đến từ VietinBank cho rằng, việc cho phép xây dựng khung pháp lý thử nghiệm sẽ tạo ra một sân chơi cho các công ty Fintech “có đất diễn”. Bởi lẽ, nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) hiện đang tăng nhanh với sự phát triển của nhiều ứng dụng công nghệ mới, nếu cơ chế thử nghiệm sớm được ban hành, DN sẽ dễ dàng tận dụng được cơ hội để thay đổi thói quen tiêu dùng và tạo động lực tăng trưởng mới. Điển hình như mô hình cho vay ngang hàng (P2P lending), các DN vẫn đang tiếp tục chờ đợi một khung pháp lý hoàn chỉnh để dịch vụ này chính thức được hoạt động trên thị trường. Với sự ra đời của dịch vụ cho vay ngang hàng, người dân có thể tiếp cận được dòng vốn với chi phí thấp với cơ chế tương tự như mua bán chứng khoán trên các sàn giao dịch chính thức hiện tại.
Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu kỳ vọng, Sandbox sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, sẽ hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng dịch vụ Fintech chưa được cho phép chính thức.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2021, các đại biểu đánh giá, NHNN là một trong những đơn vị tích cực nhất trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế số thông qua việc thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng, phát triển Fintech. Ngoài mới ban hành quy định về định danh điện tử (eKYC), xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/ND-CP về TTKDTM để trình Chính phủ xem xét… hiện NHNN đã xây dựng Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox).
Dự thảo quy định các Fintech được tham gia thử nghiệm nằm trong các lĩnh vực thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P Lending), hỗ trợ định danh khách hàng, giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như Blockchain, hỗ trợ hoạt động ngân hàng (như chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn...).
Các DN tham gia Sandbox phải thoả mãn 6 tiêu chí về giải pháp Fintech như hoàn toàn chưa có hoặc một phần chưa có quy định pháp lý điều chỉnh, giải pháp sáng tạo lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam hoặc có tính sáng tạo cao, không có hoặc ít có khả năng gây ra tác động xấu tới các tổ chức tài chính riêng và cả hệ thống tài chính nói chung, có tính khả thi và thương mại cao...
Tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, thời gian thử nghiệm các giải pháp có thể kéo dài từ 1-2 năm. Sau đó, DN Fintech sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành thử nghiệm (tốt nghiệp) hoặc phải gia hạn thử nghiệm, thậm chí dừng thử nghiệm.
Theo lãnh đạo một DN Fintech, những quy định chặt chẽ của dự thảo sẽ góp phần sàng lọc thị trường P2P Lending; bởi chỉ có những DN có hồ sơ pháp lý minh bạch và hoạt động hiệu quả mới vượt qua được những tiêu chí này để tham gia Sandbox và “tốt nghiệp” từ cơ chế thử nghiệm này.
Ông Lưu Trung Thái – Tổng giám đốc MB kiến nghị: nên ưu tiên hơn nữa cho các quy định để đẩy mạnh quá trình ứng dụng số trong ngành Ngân hàng, thông qua việc nhanh chóng hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về sự tham gia của ngành Ngân hàng với tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Song song với đó đẩy nhanh tiến độ thiết lập hệ thống định danh quốc gia, quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng, và tăng cường ứng dụng các giải pháp số vào cung cấp dịch vụ công. Đây là những điều kiện tiền đề để các TCTD triển khai các hoạt động ngân hàng số.
Với tốc độ phát triển vũ bão của cuộc CMCN 4.0, mô hình và sản phẩm của ngân hàng số ra đời đa dạng và mới mẻ hơn. Bởi vậy nếu không sớm xây dựng hành lang pháp lý thử nghiệm phù hợp và tương thích, theo lãnh đạo một ngân hàng, các ngân hàng trong nước sẽ có nguy cơ tụt hậu so với thế giới và không giải quyết được các vấn đề phát sinh trong thực tế.