Cần nhiều giải pháp để ngăn chặn đường nhập lậu
Nhức nhối đường nhập lậu
Ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép 2022-2023 với sản lượng ép được gần 10 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 935.000 tấn đường các loại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động nhập lậu đường và gian lận thương mại đường nhập lậu đã gia tăng với mức độ bùng nổ. Vấn nạn này đã và đang gây nhiều khó khăn cho ngành mía đường trong nước. Mặt hàng vi phạm chủ yếu là đường cát có xuất xứ từ Thái Lan. Ở khu vực miền Trung, điểm “nóng” của vấn nạn này tập trung ở các địa phương như: Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên...
Trong đó, Phú Yên là địa phương có ngành mía đường khá phát triển. Diện tích trồng mía toàn tỉnh đạt gần 27.000 ha và có các nhà máy sản xuất đường quy mô lớn với tổng công suất chế biến 15.700 tấn mía/ngày; giải quyết việc làm trực tiếp, ổn định cho hơn 1.000 lao động và gián tiếp cho hàng vạn lao động ở khu vực nông thôn, miền núi.
Theo ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, ngành sản xuất, chế biến mía đường là một trong những ngành góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động chế biến mía đường của các nhà máy đã góp phần chuyển đổi căn bản cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, hàng năm giải quyết việc làm cho hàng vạn người, tăng thu nhập cho người dân và có đóng góp lớn vào nguồn ngân sách của Phú Yên.
Tuy nhiên, hoạt động gian lận thương mại trong ngành mía đường, đặc biệt là đường nhập lậu, có xu hướng ngày càng gia tăng, gây thiệt hại cho chuỗi liên kết sản xuất mía đường… Từ năm 2022 đến tháng 4/2024, lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra 18 vụ, xử lý 16 vụ có hành vi buôn lậu, xử phạt với số tiền 142 triệu đồng, tịch thu trên 195 tấn đường các loại. Trên thị trường, dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm soát nhưng hoạt động buôn lậu, tiêu thụ đường nhập lậu vẫn tiếp diễn.
Ngành sản xuất, chế biến mía đường trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. |
Tại miền Trung, cũng như ở những khu vực khác trong cả nước, nguyên nhân chính khiến việc đấu trang ngăn chặn đường nhập lậu còn chưa hiệu quả là do các đối tượng hoạt động có tổ chức chặt chẽ, địa bàn rộng, liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia. Các đối tượng thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn trong phát hiện, bắt giữ, xử lý của lực lượng chức năng.
Cần nhiều giải pháp phòng chống
Theo đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên, xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, đơn vị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo toàn lực lượng triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp.
Cục cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, lực lượng chức năng của tỉnh để chia sẻ, trao đổi thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, mua bán vận chuyển mặt hàng đường; đồng thời xây dựng, củng cố, mở rộng, cài cắm cơ sở nhân mối, báo tin; kết hợp tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức phối hợp, tố giác của người dân, doanh nghiệp…
Trên thực tế hiện nay, công tác đấu tranh chống gian lận thương mại đường nhập lậu của các ngành chức năng đang được xem là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước.
Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Phú Quý, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi cho rằng, giá đường trong nước đang phải chịu cạnh tranh. Doanh nghiệp đã thay đổi thiết bị, đầu tư công nghệ hiện đại nên hoạt động sản xuất cũng như chất lượng đường trong nước không thua kém đường nước ngoài.
Cần nhiều giải pháp phòng chống, ngăn chặn đường nhập lậu. |
Tuy nhiên, giá đường trong nước cao vì doanh nghiệp phải chịu thuế, thực hiện đúng quy định Nhà nước, còn đường nhập lậu thì trốn thuế nên giá thành rẻ. Đây chính là cạnh tranh không lành mạnh. Bởi vậy, công tác đấu tranh, ngăn chặn đường nhập lậu cần tiếp tục được tăng cường, quyết liệt hơn nữa nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Mới đây, tại hội thảo Giải pháp chống gian lận thương mại đường nhập lậu được tổ chức tại Phú Yên, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề xuất thêm nhiều biện pháp chống gian lận thương mại đường nhập lậu. Theo ông Lộc, các ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa để quản lý, ngăn chặn, kiểm soát gian lận, chống thất thu thuế cho ngân sách.
Các đơn vị cần quản lý nộp thuế nhập khẩu, quản lý xuất xứ đối với đường tịch thu đấu giá; phối hợp trong việc thông tin các vụ vận chuyển đường nhập lậu, chuyển mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy đường nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ… Đồng thời, thực hiện các giải pháp mạnh đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, hay công tác xử phạt đối tượng vi phạm…