Cần tăng cường chính sách thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh
COP26 và chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững Chuyển đổi năng lượng đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ "Xanh hóa" năng lượng trong sản xuất |
Chuyển đổi xanh bao gồm việc chuyển đổi năng lượng, loại bỏ sử dụng than, nhiên liệu hóa thạch và phát triển năng lượng tái tạo. |
Chiều ngày 24/5, Báo Xây dựng phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, Ban Quản lý Khu Công nghiệp tỉnh Bắc Ninh tổ chức Diễn đàn “Thực trạng và giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh - kinh tế xanh ngành Công nghiệp”.
Loại bỏ sử dụng than, nhiên liệu hóa thạch
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Đây là cơ hội để Việt Nam phát triển, tái cơ cấu lại các nền kinh tế theo hướng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và bền vững.
Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực để vừa phát triển kinh tế bền vững vừa đảm bảo thực hiện các cam kết tại Hội nghị các Bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc (COP), đặc biệt là cam kết đóng góp có trách nhiệm về thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính cùng cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó xác định cụ thể các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ với mục tiêu và lộ trình để đạt phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới.
Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5% sản lượng điện sản xuất. Các giải pháp về quản lý, công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế nhiên liệu hóa thạch giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính... đang được áp dụng ở Việt Nam.
"Chuyển đổi xanh bao gồm việc chuyển đổi năng lượng, loại bỏ sử dụng than, nhiên liệu hóa thạch và phát triển năng lượng tái tạo phải dẫn đến sự thay đổi mang tính đột phá cho các ngành, lĩnh vực trong đó có ngành Xây dựng. Và hơn lúc nào hết, bây giờ là thời điểm để các lĩnh vực phát triển của quốc gia cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn, vượt qua các rào cản, để cùng nhau hướng tới phát triển xanh, bền vững", Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chia sẻ.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương), phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010, khoảng 67,7% năm 2020 và sẽ chiếm khoảng 73,1% và 79,7% vào năm 2030 và 2050 theo kịch bản thông thường. Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp.
Nhiều doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh
Có thể thấy, quá trình chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, tăng thị phần, doanh thu và khả năng giữ chân khách hàng, đối tác. Nhiều doanh nghiệp đã tiên phong chuyển đổi xanh, tạo lợi thế cạnh tranh để phát triển.
Ông Nguyễn Anh Được - Đại diện Công ty Cổ phần Bê tông khí Viglacera cho biết, Viglacera thời gian qua đã đi sâu vào sản xuất một số nguyên liệu, vật liệu xanh, sản phẩm xanh với phương châm “xanh trong sản xuất, xanh trong quá trình thi công, xanh trong quá trình sử dụng”. Ứng dụng phát triển vật liệu xây dựng xanh và triển khai nhiều phương pháp sản xuất thông minh, Viglacera đã và đang có những bước tiến thiết thực để giảm phát thải hướng tới phát triển bền vững.
"Ý thức từ rất sớm trong việc lấy phương pháp sản xuất xanh làm kim chỉ nam, ngay từ nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến quá trình sản xuất, Viglacera đã nghiên cứu, chọn lọc và chuyển đổi nguồn nhiên liệu hướng đến giải pháp thân thiện môi trường. Những phương pháp thực tế được Viglacera ứng dụng trong sản xuất như sử dụng 10-20% các vật liệu tái chế và vụn phế phẩm, thu hồi trong quá trình sử dụng ngoài thị trường hay việc chuyển đổi sang dòng nhiên liệu khí CNG thay cho nhiên liệu dầu FO để nấu chảy thủy tinh giúp giảm đến 20% phát thải khí hiệu ứng nhà kính", ông Nguyễn Anh Được chia sẻ.
Chia sẻ thêm về cơ hội từ chuyển đổi xanh, ông Vũ Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho hay, các cổ đông muốn đầu tư vào những ngân hàng, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có danh tiếng tốt. Các nhân viên thích làm việc trong một công ty có tầm nhìn, công việc có giá trị, có ý nghĩa. Khách hàng đánh giá cao một công ty quan tâm đến xã hội, có trách nhiệm, tin tưởng được.
Sự ủng hộ của xã hội giúp doanh nghiệp vững mạnh, đem lại niềm tin cho khách hàng và nhân viên, sự tận tâm của nhân viên và sự hài lòng của khách hàng mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
"Để phát triển lâu dài và bền vững, xây dựng nền tảng kinh doanh và tăng sức đề kháng khi hội nhập, những doanh nghiệp đủ nguồn lực cần tính chuyện đầu tư vốn xã hội, nếu không sẽ thua ngay trên “sân nhà”", ông Vũ Trung Kiên cho biết.
Ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sông Đà Cao Cường, công ty chuyên nghiên cứu thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành, chuyển giao các dây chuyền công nghệ xử lý chất thải rắn của các nhà máy nhiệt điện chạy than, phân bón hóa chất... góp phần quan trọng vào giải quyết bài toán môi trường cho các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất. Đồng thời tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng cao phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm mang lại hiệu quả kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, chung tay bảo vệ môi trường.
Thời gian tới, ông Mát kiến nghị Chính phủ tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất và ứng dụng vật liệu xây dựng xanh; tạo cơ chế phù hợp để vật liệu xây dựng xanh dễ dàng đến với người tiêu dùng, các chủ đầu tư, nhà thầu, các dự án.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm, hướng dẫn sử dụng và định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh.