Cần thêm cơ chế tài chính cho nguồn năng lượng sạch
Với tốc độ phát triển như hiện nay và trong tương lai, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng với tốc độ cao (8,5%/năm đến 2030 và 4%/năm giai đoạn 2031- 2045). Dự báo năm 2045, điện thương phẩm phải đạt 886 tỷ kWh.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã điều chỉnh để phù hợp với cam kết trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050, trong đó, nguồn năng lượng tái tạo (không kể thủy điện) sẽ đóng góp 32% vào năm 2030 và 58% vào năm 2045.
Cần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo |
Ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực Việt Nam chia sẻ, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện từ năng lượng tái tạo như cơ chế giá FIT cho các dự án điện gió, điện mặt trời; ưu đãi về thuế thu nhập, thuế nhập khẩu thiết bị, về sử dụng đất... Tính đến nay, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo trên cả nước đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Tuy nhiên, vì sự phát triển mạnh mẽ của điện gió, điện mặt trời đã dẫn đến sự mất cân đối nguồn tải tại các vùng miền (các nguồn điện gió, điện mặt trời chủ yếu phát triển ở miền Trung và miền Nam) song phần lớn các tỉnh này có phụ tải tiêu thụ tại chỗ nhỏ. Trong khi chỉ có 4% nguồn điện mặt trời đã được vận hành tại miền Bắc, đã gây áp lực lên hệ thống lưới điện quốc gia trong việc truyền tải công suất, dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư cho hệ thống.
Theo tính toán, vốn đầu tư cho kịch bản trung hòa carbon tăng 33% so với kịch bản trước COP26, dẫn tới giá điện trong quy hoạch cũng tăng trung bình 30%. Để phát triển tốt năng lượng tái tạo, cần xây mới các đường truyền tải với sự đóng góp của đầu tư tư nhân. Cơ cấu nguồn điện cũng phải đa dạng, tính đến lưu trữ, sản xuất các loại nhiên liệu mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng…
Bên cạnh đó, đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu vốn lớn, tiềm ẩn rủi ro, công suất và sản lượng phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, khả năng thu hồi vốn lâu vì suất đầu tư cao hơn nguồn năng lượng truyền thống, vì vậy các tổ chức tài chính thường chưa sẵn sàng cho vay đối với các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo, ông Hoàng Trọng Hiếu cho biết thêm.
Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank cho biết, hiện ngân hàng đang tài trợ các dự án điện mặt trời tập trung, điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất 1278 MW. Bên vay bao gồm cả nhà đầu tư, nhà thầu lẫn hộ gia đình. Dư nợ tín dụng cho năng lượng tái tạo hiện hơn 15 nghìn tỷ đồng. Thời hạn cho vay lên đến 12 năm, dài hơn so với thời gian hoàn vốn của điện mặt trời. Gói tài trợ cho lắp điện mặt trời mái nhà có nhiều điều khoản hấp dẫn, bao gồm dạng thẻ xanh cho gia đình Việt. Nhưng điều HDBank băn khoăn là đến nay vẫn chưa có giá FIT3 hay chính sách mua điện dài hạn cho điện gió, điện mặt trời. Đặc biệt, nhiều dự án điện mặt trời bị cắt giảm công suất vì gây mất ổn định lưới điện, điều này đang gây thiệt hại cho nhà đầu tư và bên cấp tín dụng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc T&T cho biết, trong giai đoạn này cần có những giải pháp đột phá về pháp lý để tháo gỡ điểm nghẽn trong truyền tải điện. Về lâu dài, cần có cơ chế hỗ trợ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo mang tính liên tục.
Đề cập đến vấn đề vốn, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, ngành Ngân hàng đã bám sát chủ trương phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ, ban hành quy định thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh. Mặt khác, chúng ta cũng tăng cường huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế, tài trợ song phương và đa phương cho năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều khó khăn, hạn chế về nhiều mặt trong thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Trước thực tế này, cần có chính sách đột phá, như hình thành Quỹ Năng lượng tái tạo tại Việt Nam đảm bảo thu hút nguồn lực tài chính, tạo điều kiện để các chủ đầu tư, các bên liên quan thực hiện vay vốn, ủy thác, bảo lãnh, phát hành trái phiếu xanh… Đồng thời, Bộ Công thương cần sớm ban hành chính sách về giá điện đảm bảo minh bạch, nhất quán tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng này.