Với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế, trong 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Ngân hàng đã có bước phát triển vượt bậc, không ngừng đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thách thức, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thành tựu đó là kết tinh của trí tuệ, là ý chí quyết tâm, tinh thần lao động sáng tạo của hơn 352.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng.
Một trong những yếu tố tạo động lực, khích lệ từng tập thể, cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao là công tác thi đua, khen thưởng. Xác định đây là động lực phát triển của con người, phát triển xã hội, ngành Ngân hàng rất chú trọng triển khai và tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng từ Trung ương đến địa phương, từ NHNN đến các tổ chức tín dụng.
![]() |
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trao tặng danh hiệu thi đua cho các tập thể và cá nhân xuất sắc |
Với đặc thù của ngành Ngân hàng, công tác thi đua, khen thưởng được tổ chức thực hiện ở từng khu vực. Cụ thể, Khối Hành chính sự nghiệp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống NHNN (các Vụ, Cục, đơn vị tại NHNN Trung ương và các chi nhánh tại 63 tỉnh, thành phố và các đơn vị sự nghiệp thuộc NHNN Việt Nam).
Khối Doanh nghiệp nhà nước và các Hiệp hội bao gồm người lao động trong các NHTM 100% vốn nhà nước (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu, Ngân hàng Đại Dương); Ngân hàng chính sách xã hội; Ngân hàng hợp tác xã; Bảo hiểm tiền gửi, Công ty quản lý tài sản, Nhà máy In tiền Quốc gia và các ngân hàng TMCP sở hữu vốn nhà nước trên 50% (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank); các hiệp hội trong ngành Ngân hàng (Hiệp hội ngân hàng, Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân, Hiệp hội Cho thuê tài chính).
Khối ngoài nhà nước bao gồm người lao động trong các tập thể là ngân hàng TMCP, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện, quỹ tín dụng nhân dân.
Nhìn chung tại Khối Hành chính sự nghiệp và Khối Doanh nghiệp nhà nước và các Hiệp hội, công tác thi đua, khen thưởng được tổ chức bài bản, nề nếp và hiệu quả. Các phong trào thi đua được phát động và tổ chức thực hiện rộng khắp, có tiêu chí và nội dung thi đua cụ thể. Các tiêu chí thi đua được xây dựng bằng đánh giá xếp loại từng tập thể, cá nhân mang tính định lượng, dựa trên cơ sở hiệu quả công việc (KPI). Công tác xét khen thưởng căn cứ vào tiêu chuẩn, tiêu chí định lượng cụ thể nên đảm bảo tính minh bạch, chính xác.
Còn đối với khối ngoài nhà nước, việc phát động và tổ chức phong trào thi đua có nơi, có lúc còn hình thức, chưa thường xuyên, thiếu tiêu chí thi đua, nội dung chưa thực chất, chưa gắn với nhiệm vụ chuyên môn được giao, chưa tạo động lực cho từng tập thể, cá nhân hoàn thành nhiệm vụ; Công tác khen thưởng chưa bài bản, chưa chú trọng khen thưởng các tập thể nhỏ và cá nhân là người lao động trực tiếp mà chỉ quan tâm đến tập thể lớn hoặc khen thưởng nhân dịp tổ chức kỷ niệm ngày thành lập hoặc khen thưởng cá nhân là lãnh đạo. Tỷ lệ đề nghị khen thưởng rất thấp, chưa cân đối giữa các khối khác. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng chưa đồng bộ. Công tác xây dựng và nhân điển hình tiên tiến chưa được chú trọng.
Thực tiễn cho thấy, nơi nào người đứng đầu quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng thì nơi đó công tác này được chú trọng, thực chất và hiệu quả.
Hiện Luật đã có quy định thẩm quyền phát động thi đua và chỉ đạo, kiểm tra thi đua nhưng thực tế việc tổ chức thực hiện ở một số cấp cơ sở chưa thực sự hiệu quả. Do đó cần có giải pháp trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua để nâng cao hiệu quả, tránh tính hình thức trong phong trào thi đua; có “phát” nhưng không “động”, hoặc thi đua nhưng không thiết thực, không động viên, khích lệ được nhiều tập thể, cá nhân hưởng ứng tham gia.
Còn đối với khen thưởng, Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi đã bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu trong khen thưởng và đề nghị khen thưởng. Tuy nhiên, quy định này mâu thuẫn với quy định về hồ sơ, thủ tục cải cách thủ tục hành chính trong Luật sửa đổi vì vẫn quy định cơ quan chuyên trách khen thưởng Trung ương thẩm định hồ sơ.
Theo tôi, cấp Trung ương làm công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng như: phát động thi đua, chỉ đạo phong trào thi đua, xây dựng cơ chế chính sách, kiểm tra… nên không quá chú trọng làm công tác thẩm định hồ sơ, báo cáo thành tích như hiện nay, nếu có thì chỉ xem xét về quy trình, thủ tục, hiệp y của các cơ quan liên quan đến các bộ, ngành trình khen thưởng.
Thực tiễn cũng cho thấy, ở đâu có bộ máy tổ chức và bố trí cán bộ làm tốt công tác thi đua, khen thưởng thì ở đó phong trào thi đua thực chất hơn, công tác khen thưởng được thực hiện bài bản, chính xác. Đặc biệt, đối với các đơn vị có quy mô hàng nghìn hay chục nghìn cán bộ mà không bố trí bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng phù hợp thì rất khó khăn trong việc triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.
Vì vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về bộ máy tổ chức và bố trí cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng, trong đó chú trọng tính hiệu lực và phạm vi, đối tượng áp dụng đối với khu vực ngoài nhà nước.
Bên cạnh đó, đối với các đơn vị có quy mô lớn, số lượng người lao động nhiều (hàng nghìn tập thể lớn nhỏ và chục nghìn cá nhân) việc đánh giá, xét khen thưởng cho từng tập thể, cá nhân thường rất khó khăn, đặc biệt là danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Vì vậy, Luật Thi đua - Khen thưởng sửa đổi cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa về thẩm quyền khen thưởng để phù hợp với thực tiễn.
Một vấn đề nữa là việc quy định về tuyến trình khen thưởng có một số điểm chưa phù hợp, chẳng hạn như việc giao UBND các cấp khen thưởng và đề nghị khen thưởng cho tập thể, cá nhân thuộc Quỹ tín dụng nhân dân. Hay hiện tại vẫn chưa có quy định cụ thể về tuyến trình nên một số tập thể, cá nhân chưa được xem xét khen thưởng như: Công ty bảo hiểm, Công ty chứng khoán thuộc các NHTM do các cơ quan này có nhiều cơ quan quản lý. Vì vậy, đề nghị Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi cần có quy định cụ thể, thống nhất về tuyến trình khen thưởng.
Trong thực tiễn, tại một số đơn vị ngoài nhà nước ít quan tâm đến các danh hiệu thi đua, khen thưởng của nhà nước, song lại rất hào hứng tham gia sôi nổi với các giải thưởng tự đặt ra, đơn giản nhưng rất hiệu quả với các tiêu chí thi đua cụ thể gắn với chỉ tiêu định lượng (được tin học hóa) về huy động vốn, dư nợ cho vay, phát hành thẻ tín dụng, xử lý nợ xấu… và khi xét trao giải gắn với lương, thưởng, đề bạt, bổ nhiệm như: “Gương mặt tiêu biểu, tháng, quý, năm”; “Giao dịch viên tốt nhất”, “Trải nghiệm khách hàng tốt nhất”, “Chuyển đổi số tiêu biểu”, “Nhân viên sáng tạo nhất”, “Giải pháp tiêu biểu nhất”…
Vì vậy, Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi cần tạo khâu đột phá về khen phải gắn với mức thưởng phù hợp, trao quyền cho người đứng đầu quyết định mức thưởng ngoài mức quy định của nhà nước và các quyền lợi chính đáng của mỗi tập thể, cá nhân, đặc biệt tính kịp thời trong khen thưởng là yếu tố rất quan trọng để công tác thi đua, khen thưởng thực chất hơn. Muốn khen thưởng kịp thời thì việc xét thưởng cần trao quyền mạnh mẽ cho người đứng đầu. Đồng thời rút gọn quy trình, thủ tục (nghiên cứu xem xét lược bớt việc xét của Hội đồng thi đua, khen thưởng ở một số cấp). Đặc biệt cần ứng dụng công nghệ tin học trong mô tả công việc của công chức, viên chức và chấm điểm theo hiệu quả công việc của người lao động…
Ngoài ra, quy định về hồ sơ, báo cáo thành tích còn nhiều bất cập, quy trình thủ tục xét khen thưởng còn nặng nề, làm cho công tác khen thưởng có nơi có lúc còn hình thức. Vì vậy, cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào xét khen thưởng và lập hồ sơ khen thưởng; có giải pháp xây dựng mẫu báo cáo thành tích theo hướng đơn giản, tăng yếu tố định lượng, giảm yếu tố định tính như tính: tiêu biểu, dẫn đầu, lan tỏa… hướng tới mẫu báo cáo thành tích khoa học để cho người viết báo cáo chỉ việc đánh dấu (có hay không; mức độ tốt hay khá…) và điền thông tin theo mẫu, ký cam kết xác nhận thành tích…
Ths. Nguyễn Đình Hiển
Nguồn: