Cần xem ESG là động cơ để đổi mới sáng tạo
ESG đã và đang là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm tại Việt Nam |
Theo ông Phạm Hải Âu, Giám đốc Dịch vụ tư vấn giải pháp doanh nghiệp, PwC Việt Nam, môi trường, xã hội, quản trị (ESG) đã và đang là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm tại Việt Nam từ các bài báo, sự kiện, hội nghị thảo luận cho đến các bài báo cáo, kết quả khảo sát và nghiên cứu trên nhiều đối tượng khác nhau.
Theo đó, các bên liên quan thể hiện rõ các quan điểm về thực hành ESG, đặt ra kỳ vọng ngày càng cao dành cho doanh nghiệp trong việc triển khai kinh doanh bền vững và công bố các thông tin phi tài chính một cách minh bạch; thực hành ESG là hành trình đổi mới kiến tạo các giá trị dài hạn và mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp; tầm quan trọng ngày càng tăng của phát triển bền vững đi đôi với sự chuyển dịch trong giá trị thị trường.
Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các cam kết ở tầm quốc gia và ban hành các yêu cầu luật định về các vấn đề ESG; phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG, trong đó có đến 80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2-4 năm tới.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch của PwC Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo |
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Phạm Anh Duy, Trưởng phòng Cấp cao Dịch vụ tư vấn Dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng (PwC Việt Nam) phân tích yếu tố quan trọng nhất của các nhà đầu tư khi tham gia vào lĩnh vực này là giá trị nhận được. Trong ngắn hạn có thể chưa rõ ràng nhưng trong dài hạn là vô cùng lớn.
Thứ nhất là giá trị về thương hiệu. Khi đầu tư vào các dự án chuyển đổi năng lượng xanh, nhà đầu tư sẽ tránh được những chi phí liên quan đến phát thải khi áp dụng các chính sách của nhà nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư để giảm phát thải. Từ đó sẽ tăng lợi nhuận và tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thứ hai là độ nhận diện thương hiệu. Kinh tế ngày càng phát triển thì sự quan tâm đến "net zero", chuyển đổi năng lượng... ngày càng tăng. Những dự án xanh sẽ nhận được sự ủng hộ và sẽ tăng được độ nhận diện thương hiệu. Bên cạnh đó, các dự án này cũng góp phần giúp các cơ quan nhà nước thực hiện được các cam kết giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu nên sẽ được nhận diện và được sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức. Thương hiệu sẽ ngày càng được phổ biến.
Thứ 3 là giá trị dài hạn. Khi tham gia vào các dự án, họ sẽ dễ dàng nhận được chứng chỉ cacbon để trao đổi, mua bán trên thị trường mua bán chúng chỉ cacbon. Tại Việt Nam dự kiến đến năm 2025 sẽ có thị trường mua bán chứng chỉ cacbon đầu tiên. Doanh nghiệp từ đó tăng nguồn thu, lợi nhuận.
Để các dự án triển khai ESG, nguồn vốn là vấn đề vô cùng quan trọng, trong đó có Chương trình Thúc đẩy tài chính khí Mục tiêu hậu cho các nền kinh tế mới nổi (CFA) là một trong những giải pháp hỗ trợ được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Bà Giang Mỹ Hương, Trưởng phòng cấp cao Dịch vụ tư vấn Doanh nghiệp (PwC Việt Nam) cho biết, chương trình CFA đem đến cho các đơn vị phát triển dự án nhiều cơ hội tiếp cận mạng lưới các nhà đầu tư tiềm năng, từ đó xây dựng dự án phù hợp; hỗ trợ những thông tin chuyên sâu có giá trị và xây dựng năng lực để phát triển được các dự án hấp dẫn, sẵn sàng cho quá trình gọi vốn; mở rộng mạng lưới với các nhà đầu tư và các bên liên quan khác trong lĩnh vực tài chính khí hậu; tạo nền tảng giúp các đơn vị phát triển dự án chứng minh khả năng đóng góp vào các mục tiêu khí hậu quốc gia và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp. Đồng thời, đạt được mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và các mục tiêu khác.
Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn để thực hiện hóa cam kết ESG của mình. Theo khảo sát của PwC Việt Nam, 67% doanh nghiệp cho rằng việc chưa có các quy định minh bạch chính thức và rõ ràng là khó khăn thách thức chính; 71% chưa bắt đầu hoặc chỉ mới bắt đầu hiểu các dữ liệu ESG cần thiết cho việc báo cáo; 72% chưa xác định các chỉ tiêu để thực hiện theo dõi việc quản lý; 70% không có hoặc rất ít khi công bố báo cáo ESG ra bên ngoài.
Đưa ra một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp để triển khai ESG thực chất và hiệu quả, PGS.TS. Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia cùng các chương trình hỗ trợ giống như CFA ở các quốc gia và các tổ chức tài chính trên thế giới. Công tác truyền thông cũng là một lĩnh vực các doanh nghiệp không nên quên. Ban lãnh đạo các doanh nghiệp các cần tìm hiểu để tự thuyết phục, thay đổi nhận thức rằng ESG là vô cùng cần thiết để phân bổ nhân sự, tài chính phù hợp.
Bên những yêu cầu từ đối tác doanh nghiệp cũng cần xem chuyển đổi xanh, thực hành ESG là động cơ để đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra những sản phẩm khác biệt trên thị trường", PGS.TS. Trương Thị Nam Thắng khẳng định.