Cảnh báo sớm, giúp doanh nghiệp “vượt ải” phòng vệ thương mại
Gia tăng các vụ kiện
Theo thống kê của Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), tính đến hết năm 2019, đã có 158 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong số 158 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, có 88 vụ việc về chống bán phá giá, 32 vụ việc tự vệ, 18 vụ việc trợ cấp và 20 vụ việc chống lẩn tránh thuế.
Nếu tính 15 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam năm 2019, có 10 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc tự vệ, 3 vụ việc chống trợ cấp.
Trong số các vụ kiện phòng vệ thương mại, mặt hàng thép vẫn là mặt hàng bị ‘dính kiện” nhiều nhất khi chiếm tới 60% các vụ. Các sản phẩm thép bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tương đối đa dạng và ngày càng mở rộng, không chỉ giới hạn ở mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, mà còn mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như: Mắc áo thép, thép chịu lực không gỉ, đinh thép, ống thép dẫn dầu, ống thép carbon, thép mạ kẽm, dây thép...
Thép là mặt hàng bị dính kiện nhiều nhất |
Một số vụ kiện phòng vệ thương mại tiêu biểu trong ngành thép thời gian vừa qua có vụ việc EU khởi xướng điều tra tự vệ với 26 nhóm sản phẩm thép, Thổ Nhĩ Kỳ điều tra tự vệ với 21 nhóm sản phẩm, Mỹ áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu theo Mục 232, Đạo luật Mở rộng thương mại với 177 mã HS thép…
Trong số các quốc gia, Mỹ vẫn là quốc gia điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (31 vụ việc), tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (21 vụ việc), Ấn Độ (21 vụ việc) và EU (14 vụ việc).
Việc Việt Nam tham gia sâu rộng vào rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA)…và gần đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) không chỉ mở ra cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam nhưng cũng sẽ gây áp lực cạnh tranh không nhỏ cho cạnh tranh, phòng vệ thương mại. Thực tế đã cho thấy, năm 2019, các đối tác FTA chiếm tỷ lệ lớn trong số các vụ việc khởi xướng mới năm 2019.
Theo Bộ Công Thương, với các Hiệp định FTA có mức độ cắt giảm thuế quan rất cao như EVFTA thì áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam hay thậm chí là các doanh nghiệp EU trong một số lĩnh vực cũng sẽ cao hơn, do vậy nhu cầu sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại cũng sẽ tăng.
Bộ Công Thương cũng cảnh báo, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nếu kim ngạch xuất khẩu những ngành hàng, sản phẩm thế mạnh của ta (như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày hoặc sắt thép,...) hoặc EU (như một số mặt hàng nông sản, hóa chất...) gia tăng đột biến (do mức giảm thuế nhanh), tạo sức ép cạnh tranh hoặc gây thiệt hại cho các ngành sản xuất của nước nhập khẩu, sẽ có khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại.
Tăng cường cảnh báo sớm
Trong bối cảnh các vụ phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng nhanh, đặc biệt là sau khi các FTA đi vào thực thi, để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu như: Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, kể cả các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; hàng tuần có bản tin cảnh báo sớm để đăng tải công khai và gửi các Hiệp hội doanh nghiệp để phổ biến cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ cũng đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp cách thức ứng phó với các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng; chủ động làm việc, phối hợp, kể cả đấu tranh với các cơ quan điều tra nước ngoài ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp.
Tháng 3 vừa qua, nhằm phân tích, dự báo, sớm phát hiện những chính sách cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về Phòng vệ thương mại”.
Đề án hướng tới tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng vệ thương mạitheo hướng bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiẹp Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin, phần mềm phân tích và trang thông tin điện tử để vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm để tính toán biên độ bán phá giá, biên độ trợ cấp và phân tích thiệt hại...
Đề án cũng nhằm tăng cường theo dõi tình hình tuân thủ các quy định quốc tế, quy định trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương đối với các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong các lĩnh vực đã và đang có nguy cơ bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại...
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, việc thực thi các FTA, đặc biệt là Hiệp định EVFTA đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định, kể cả các quy định về phòng vệ thương mại để có thể chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà Hiệp định đem lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Để chủ động ứng phó có hiệu quả đối với các biện pháp phòng vệ thương mại, ông Lê Triệu Dũng khuyến nghi, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài; thường xuyên theo dõi nghiên cứu các khuyến cáo cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại từ cơ quan phòng vệ thương mại để có các kế hoạch phù hợp; nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới; có chiến lược rà soát giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá và phối hợp chặt chẽ với các bạn hàng tại nước sở tại để cập nhật thông tin…
Đáng chú ý, khi đã có thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa liên quan, doanh nghiệp cần cập nhật tin tức và tích cực tham gia, hợp tác trong quá trình điều tra để tránh việc bị cơ quan điều tra sử dụng số liệu sẵn có bất lợi khi đưa ra kết luận về vụ việc; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Hiệp hội, các doanh nghiệp trong ngành trong quá trình ứng phó vụ việc.