Chậm phổ biến TPP: DN tìm cách đối phó
Ảnh minh họa |
Hiện nay, sản phẩm của BSR chỉ bán ở trong nước, nhưng sắp tới TPP có hiệu lực, DN này có thể xuất khẩu, vì vậy, bản thân lãnh đạo DN này đang rất quan tâm tới TPP. Vấn đề ở chỗ, mặt hàng xăng dầu dù có thể xuất khẩu sang các nước thành viên TPP, nhưng “công nghệ pha chế xăng mua của ai”, hay nói cách khác, bản quyền công nghệ đang đặt ra thách thức với những DN có ý định xuất khẩu xăng dầu như BSR.
Trên thực tế, nếu như với WTO, DN xuất khẩu chỉ phải lo thuế chống bán phá giá, một mức thuế áp dụng cao hơn bình thường, nhưng với TPP thì khác, DN có thể xử phạt tối đa 50 triệu USD nếu không hiểu luật chơi.
TS. Phạm Sỹ Thành ví von, DN tham gia TPP cũng giống như một người đi ra đường, nếu chỉ nghĩ rằng mình đi chậm, đi sát theo lề đường, thấy xe lớn thì tránh là được, nhưng không hẳn như vậy. Bởi tham gia giao thông ngày càng phức tạp, người đi đường sẽ phải gặp đèn xanh/đỏ, gặp cầu vượt, gặp người đi bộ ngược chiều...
“TPP có thể xem là hệ thống đèn giao thông phức tạp nhất từ trước đến nay, và chúng tôi nghĩ rằng, nếu DN càng hiểu hệ thống đấy thì càng đỡ bị những cái tổn thất không cần thiết”, ông Thành nói.
Nhìn ở góc độ DN, ông Nguyễn Thế Hà, chuyên viên tư vấn đầu tư của Công ty TNHH Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ thừa nhận: “Nếu nghiên cứu 6.000 trang của TPP, tôi phải mất… 6.000 tuần lễ mới nghiên cứu hết”.
Theo ông Hà, có thể TPP không khó, nhưng các cơ quan chức năng phổ biến không khéo sẽ làm cho nó (TPP) khó hiểu hơn! Để giảm thiểu rủi ro với TPP, ông Hà cho biết, DN ông đã tính đến phương án là, hàng hóa công ty xuất ra khỏi cửa nhà máy (ở Việt Nam) là xong, nghĩa là bán ở thị trường nào thì giao hết cho người đại diện thị trường đó tự lo liệu.
Trên thực tế, không phải nhà nhập khẩu nào cũng chấp nhận cách mua bán như trường hợp của Công ty cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ. Mặt khác, nếu bán hàng theo cách “phó mặc cho nhà nhập khẩu” thì có thể lợi bất cập hại, mà TPP cũng bị mất đi ý nghĩa. Vì vậy, hơn lúc nào hết, DN vẫn cần hiểu rõ về TPP để tận dụng được cơ hội.
Từ câu chuyện người Nhật phát sổ tay TPP đến cho từng DN có làm ăn tại 12 nước thành viên TPP đem đối chiếu với Việt Nam, TS. Phạm Sỹ Thành tỏ ra lo lắng, bởi Bộ Công Thương cũng phải mất thêm thời gian nữa mới dịch xong 6.000 trang của TPP từ tiếng Anh sang tiếng Việt để phổ biến cho DN.
Cũng phải nói thêm, sự lo lắng của ông TS. Thành là không thừa, bởi lẽ bản thân các DN dù có thể hiểu được Điều, Khoản của TPP thì vẫn không thể hiểu rõ hết thuật ngữ chuyên ngành. Vậy nên, nếu như có sổ tay (DN thuộc hiệp hội nào, nhóm ngành nghề nào, thì sổ tay thiên về vấn đề đó), sẽ giúp DN có thể dễ dàng nắm bắt hơn. Từ những cuốn sổ tay TPP, DN có thể thuê chuyên gia đến phân tích, lý giải cặn kẽ để biết được hướng giải quyết nếu có kiện tụng xảy ra.
Trong trường hợp không thể “ra được” sổ tay về TPP, một số chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng như: Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), VCCI… có thể thành lập một diễn đàn, phân tích thông tin TPP, rồi bán thông tin lại cho DN để họ phục vụ cho việc kinh doanh, giảm thiểu những rủi ro từ TPP.