Chính sách thuế vẫn còn nhiều bất cập
Một trong những chính sách đang thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và cả doanh nghiệp trong nước là đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, trong khuôn khổ dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi do Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ.
Đây không phải lần đầu Bộ Tài chính muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này. Trước đó, vào năm 2017-2018, cơ quan này cũng đã có đề xuất tương tự với mức thuế suất cụ thể là 10%, nhưng không nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng và phải bỏ đề xuất vào thời điểm đó.
Theo các doanh nghiệp, nếu xét đến tất cả các yếu tố như tình hình tiêu thụ đồ uống có đường, tình trạng thừa cân béo phì tại Việt Nam, tác động của chính sách thuế đối với nền kinh tế - xã hội và thu ngân sách nhà nước… thì bối cảnh hiện tại không khác biệt so với khi đề xuất này lần đầu tiên được đưa ra. Vì vậy, cơ sở để áp dụng chính sách trong bối cảnh hiện tại là chưa vững chắc.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2023 vừa qua, Nhóm công tác Thuế và Hải quan khuyến nghị, cơ quan thuế cần nghiên cứu kỹ tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt trên đồ uống có đường đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời có cách tiếp cận toàn diện căn cứ vào thông lệ quốc tế cũng như ý kiến của doanh nghiệp trong nước. Nếu áp dụng thiếu căn cứ sẽ dẫn tới sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong ngành này so với các ngành sản xuất sản phẩm đồ uống khác.
Nhóm công tác Thuế và Hải quan của VBF lưu ý, các chính sách quản lý nói chung và chính sách thuế nói riêng cần có sự ổn định lâu dài, chỉ thay đổi khi các điều kiện kinh tế có liên quan tới các ngành sản xuất đó thay đổi. Hiện nay, các doanh nghiệp luôn nhìn vào yếu tố sự ổn định của chính sách để quyết định xem có nên tiếp tục mở rộng đầu tư hay không.
Bên cạnh đó, hiện các chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là chính sách liên quan đến thuế tại các quốc gia đang thay đổi để thích ứng với việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó, các quốc gia đang thiết kế lại hệ thống thuế tinh vi hơn và hiện đại hơn để tránh việc ưu đãi thuế theo thu nhập, hay giảm trực tiếp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ông Thomas McClelland - Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam, lưu ý rằng hiện Việt Nam chưa phổ biến các ưu đãi theo chi phí. Theo đó, tăng quy mô khấu trừ hoặc mở rộng cơ sở quy định các khoản chi phí được khấu trừ thuế nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động quan trọng như nghiên cứu phát triển, đào tạo lao động, thuê nhân sự có chất lượng cao, đầu tư hạ tầng dùng chung…
Một ví dụ điển hình của việc chưa áp dụng ưu đãi theo chi phí là dự án xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ tại TP. Hải Phòng với tổng mức đầu tư dự án hơn 2.284 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương và thành phố chiếm 60%, vốn đóng góp của các doanh nghiệp 40%. Theo phản ánh của nhóm doanh nghiệp tham gia đóng góp vào dự án này, khoản chia sẻ chi phí của họ nhằm mục đích đầu tư hạ tầng để bảo vệ khu công nghiệp khỏi thiên tai, bão lũ, mang lại lợi ích cho hoạt động của chính doanh nghiệp và các đơn vị khác đang hoạt động trong khu vực này. Tuy nhiên, khi quyết toán thuế thì cơ quan thuế xếp khoản đầu tư này vào mục tài trợ cho chính quyền. Do không được xếp vào nhóm chi phí hoạt động nên khoản đầu tư của các doanh nghiệp không được khấu trừ khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp với lý do các chi phí này không trực tiếp liên quan đến doanh thu.
Bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Tư vấn E&Y Việt Nam, cho rằng Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đã có những sửa đổi, bổ sung một số khoản chi phí đầu tư được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nội dung này vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ và chưa bao gồm hết các trường hợp phát sinh trên thực tế vì mỗi khu công nghiệp, khu kinh tế ở những vị trí khác nhau lại phát sinh những nhu cầu đầu tư khác nhau để khắc phục các vấn đề ở từng địa điểm cụ thể. Vì vậy, cần nhìn vào bản chất những khoản đầu tư đó có ý nghĩa như thế nào và đóng góp như thế nào vào hoạt động thu hút, mở rộng đầu tư và việc vận hành của doanh nghiệp.
Một số chính sách thuế khác lại rơi vào nhóm chưa được thực thi thống nhất giữa trung ương và địa phương, hoặc giữa các địa phương với nhau. Chẳng hạn, dịch vụ kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi xuất khẩu, theo công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính, được áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 0%. Tuy nhiên trên thực tế, các địa phương vẫn có cách xử lý khác nhau và không chấp nhận cho người nộp thuế áp dụng mức thuế 0% đối với dịch vụ này trước khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Vấn đề này đã nhiều lần được kiến nghị và đề xuất hướng giải quyết đến Cục thuế địa phương, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính nhưng vẫn chưa có hướng dẫn thỏa đáng.