Chính sách tín dụng hướng tới tăng trưởng xanh
Ths. Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, đây là đề tài khoa học được lãnh đạo NHNN “đặt hàng” với tính ứng dụng cao. Bởi phát triển bền vững nói chung và phát triển tín dụng xanh nói riêng đã trở thành vấn đề cấp thiết.
Ths. Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng phát biểu tại Hội thảo |
Tháng 3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 (Quyết định 403). Tại Quyết định này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ số 37 về “Hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của các NHTM phục vụ tăng trưởng xanh”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã ban hành các chính sách, chỉ đạo các NHTM triển khai các chương trình tín dụng xanh, qua đó góp phần hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững.
Tháng 8/2018, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam với mục tiêu tổng quát: Tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hoá hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo đánh giá của Nhóm nghiên cứu, việc thực hiện chính sách tín dụng hướng đến tín dụng xanh tại Việt Nam tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Chính sách hỗ trợ phát triển ngành, lĩnh vực xanh vẫn còn nằm rải rác tại nhiều văn bản khác nhau; thiếu những quy định, quy chuẩn và hướng dẫn cụ thể để xác định, đo lường quản lý rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội. Các TCTD chưa phát huy được lợi thế hoạt động để tận dụng nguồn vốn xanh, đặc biệt là các nguồn vốn quốc tế. Do đó, kết quả cấp tín dụng xanh của các TCTD hiện rất khiêm tốn, chỉ chiếm dưới 5%/tổng dư nợ tín dụng.
Trao đổi tại hội thảo, PGS-TS. Trần Thị Thanh Tú cho biết ngân hàng xanh được hiểu là một ngân hàng xây dựng được chiến lược kinh doanh bền vững, thể hiện ở việc cung cấp dịch vụ ngân hàng thỏa mãn các tiêu chí đảm bảo trách nhiệm với môi trường và xã hội. Theo mô hình ngân hàng xanh của Kaeufer đưa ra năm 2010 có 5 cấp độ: Cấp 1, tài trợ cho các sự kiện “xanh” và tham gia các hoạt động cộng đồng; Cấp 2, phát triển thêm các sản phẩm, dịch vụ xanh riêng biệt; Cấp 3, hoạt động kinh doanh “xanh” có hệ thống; Cấp 4, sáng kiến cân bằng hệ sinh thái tầm chiến lược; và Cấp 5, sáng kiến cân bằng hệ sinh thái chủ động. Với thực trạng hiện nay, ngân hàng xanh Việt Nam đang ở giữa cấp độ 2 và 3.
Theo Ths. Cát Quang Dương, để phát triển chính sách tín dụng hướng tới tăng trưởng xanh, về phía cơ quan quản lý cần hoàn thiện khung khổ pháp lý, hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh. Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp chính sách giữa các bộ, ngành liên quan; và quan trọng nhất là huy động nguồn lực cho tín dụng xanh, từ các nguồn chính: nguồn lực Nhà nước, nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế, và huy động qua phát hành trái phiếu xanh.
PGS-TS. Trần Thị Thanh Tú cũng cho rằng cách tiếp cận từ trên xuống phù hợp với thực tiễn tại các nước đang phát triển như Việt Nam: Cần có sự can thiệp, hỗ trợ từ chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước nhằm khuyến khích dòng chảy tín dụng vào các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường. Ngân hàng Trung ương ban hành các thông tư hướng dẫn, trên cơ sở đó các TCTD xây dựng sổ tay hướng dẫn và chính sách riêng của từng ngân hàng để thực hiện chiến lược, mục tiêu chung.
Và để tăng trưởng xanh nói chung, các hoạt động tín dụng xanh, đầu tư xanh nói riêng phát triển thì công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng. Truyền thông không chỉ giúp doanh nghiệp, người dân thấy được sự cấp thiết, của phát triển bền vững; và lợi ích khi triển khai các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng "xanh".
Mục tiêu phấn đấu của ngành Ngân hàng đến năm 2025: +100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. + 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. + Ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội. + 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh. |