Chống thất thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản
Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022 | |
Điều tiết thị trường bằng công cụ thuế | |
Mặt bằng bán lẻ đang nóng dần |
Đồng loạt rà soát hồ sơ chuyển nhượng BĐS
Sau khi Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo phối hợp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, nhiều địa phương đã nhập cuộc triển khai các giải pháp chống thất thu thuế. Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam… đã có văn bản chỉ đạo trực tiếp ngành thuế rà soát hoạt động mua bán, chuyển nhượng BĐS. Ngành Thuế TP.HCM, Bình Định, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Kiên Giang… những tuần gần đây truy thu hàng tỷ đồng thuế chuyển nhượng nhà, đất sau khi rà soát và kê khai lại giá bán.
Ảnh minh họa |
Ông Thái Minh Giao, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, trong quý đầu năm 2022, ngành thuế tại địa phương đã rà soát khoảng 30.000 giao dịch BĐS nghi ngờ khai báo thuế thấp hơn giá thực tế. Qua đó xử lý khoảng hơn 10.800 hồ sơ chuyển nhượng BĐS, thu thêm 180 tỷ đồng cho ngân sách địa phương. Nhờ việc triển khai rốt ráo các biện pháp chống thất thu thuế, điều chỉnh bảng giá sàn đất đai trên địa bàn, tính đến hết tháng 4/2022, thu ngân sách từ đất tại TP.HCM đã đạt mức 12.600 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng thu ngân sách của địa phương.
Hay như Đồng Nai đã tiến hành rà soát hơn 320 hồ sơ chuyển nhượng BĐS, xây dựng và hoàn thiện đề án chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS trên phạm vi toàn tỉnh. Cục Thuế Đồng Nai đã chỉ đạo các chi cục thuế khẩn trương rà soát, phát phiếu kê khai lại giá chuyển nhượng cho các giao dịch mua bán có dấu hiệu khai thấp hơn giá bán thực tế, để thu bổ sung. Tương tự, tại Long An, đại diện cục thuế cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo các chi cục thuế trên địa bàn tỉnh kiểm tra về lịch sử chuyển nhượng thửa đất trong hồ sơ, đối chiếu, so sánh với các hồ sơ khác tại các thửa liền kề hoặc thửa có điều kiện gần giống nhau, nhất là những khu vực đất tại vị trí đắc địa để xác định việc kê khai giá chuyển nhượng của người nộp thuế.
Khung giá cần minh bạch cả hai chiều
Theo các chuyên gia, việc Bộ Tài chính và các địa phương thúc đẩy chống thất thu thuế trong mua bán, chuyển nhượng BĐS là việc cần thiết và có lợi cho ngân sách, bởi hiện nay hành vi kê hai giá khi mua bán nhà đất để giảm số thuế phải đóng vẫn phổ biến và khó xử lý triệt để. Tuy nhiên, để việc chống thất thu thuế được thực hiện hiệu quả các chuyên gia cho rằng, điểm mấu chốt là phải minh bạch khung giá nhà đất ở cả hai chiều: chiều đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng và chiều mua bán, sang nhượng.
LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, lâu nay người dân hiểu rằng việc nộp thuế khi giao dịch BĐS theo khung giá nhà nước là hợp lệ, hợp pháp, còn giá ghi trên hợp đồng là theo thỏa thuận của các bên. Do đó, cơ quan thuế yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh và truy thu là chưa thỏa đáng. “Khung giá đất là do cơ quan nhà nước quy định và điều chỉnh định kỳ, việc bồi thường đất khi làm dự án cũng dựa theo khung giá này, nhưng tại sao người mua, bán đóng thuế theo khung giá đó lại bị thanh kiểm tra?”, ông Đức đặt câu hỏi.
Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, giải pháp chính để tăng thu cho ngân sách đối với các khoản thuế chuyển nhượng, thuế trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản phi nông nghiệp là các địa phương cần điều chỉnh ngay bảng giá sàn đất đai. Ở góc độ thị trường, các chuyên gia cho rằng quy định thời gian áp dụng bảng giá đất của các địa phương 5 năm/lần hiện nay là khá bất cập, bởi giá thị trường thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ. Vì vậy, cơ quan quản lý cần ban hành khung giá nhà, đất tính thuế và điều chỉnh hàng năm sao cho phù hợp, sát giá thực tế chuyển nhượng trên thị trường. Ngoài ra, mặc dù việc rà soát hồ sơ chuyển nhượng để chống tình trạng khai man giá sẽ giúp điều tiết thị trường, giảm tình trạng đầu cơ. Nhưng nhiều khả năng cũng tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Vì vậy cần có lộ trình dài hạn, tạo ra các khung giá đất hợp lý đối với từng khu vực; điều chỉnh kịp thời và áp dụng chung cho cả trường hợp mua bán, chuyển nhượng cũng như làm căn cứ để tính giá nhà, đất khi đền bù, giải tỏa.
Theo Tổng cục Thuế trong 3 tháng đầu năm 2022, kết quả thu từ thuế thu nhập cá nhân của hoạt động chuyển nhượng BĐS đạt 8.209 tỷ đồng; tăng 63% so với 3 tháng đầu năm 2021 (tương ứng tăng 3.200 tỷ đồng). Nhưng chỉ qua kiểm tra 85.000 bộ hồ sơ và cho kê khai lại, thu thuế đã tăng 222 tỷ đồng. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm tra các hồ sơ thuế còn nghi vấn về việc chuyển nhượng không đúng với giá kê khai theo luật thuế để xử lý theo quy định, kể cả các dự án BĐS. |