Chủ động dán tem truy xuất nguồn gốc
Nỗi buồn cà phê Việt ở thị trường lớn | |
Nâng tầm nông sản Việt | |
Thị trường rau an toàn: Phát triển nhiều hệ thống tiêu thụ |
Hàng nội dán... tem ngoại
Thời gian gần đây, tại huyện Phú Ninh (Quảng Nam), sau khi thu mua các sản phẩm dưa hấu, thương lái đã yêu cầu người nông dân phải dán các con tem Trung Quốc lên quả dưa hấu, rồi mới chất lên xe. Những thông tin này đã gây sự chú ý của dư luận, thậm chí có người còn hoang mang khi hàng nội lại được dán... tem ngoại.
Có tem truy xuất, góp phần hạn chế tình trạng “giải cứu” nông sản |
Một nông dân trồng dưa hấu ở xã Tam Phước, huyện Phú Ninh cho biết, năm nay dưa hấu được mùa, thương lái mua vào với giá từ 5 đến 7 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, khác với những năm trước, năm nay trước khi chất dưa lên xe, các thương lái yêu cầu phải dán tem. Họ nói, có dán tem này mới xuất khẩu sang Trung Quốc được. Trong khi đó, theo các thương lái thu mua dưa, các doanh nghiệp nhập khẩu ở Trung Quốc đã in sẵn các con tem. Sau đó, cung cấp cho các chủ hàng, thương lái Việt Nam để dán lên sản phẩm. Để xuất khẩu được hàng các thương lái phải chấp nhận bỏ thêm chi phí, nhân công khi thuê người dán tem lên từng trái dưa...
Việc dưa hấu Việt Nam nhưng phải dán tem Trung Quốc là đúng hay sai? Trước những băn khoăn này, từ chính quyền địa phương đến các cơ quan chức năng đã khẳng định đây là việc làm đúng, nhằm thực hiện những quy định mới về việc áp dụng quản lý truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu vào Trung Quốc. Cụ thể, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo quy định mới từ phía Trung Quốc thì hiện các loại nông sản muốn xuất vào nước này phải dán tem truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm, trong đó có mặt hàng dưa hấu.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2019, các loại nông sản xuất qua Trung Quốc đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì. Dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái dưa hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc. Doanh nghiệp xuất khẩu chủ động lựa chọn sử dụng bao bì, thùng giấy hoặc tem nhãn lên trái cây; Đồng thời, chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Như vậy, các tem có chữ Trung Quốc được dán trên sản phẩm dưa hấu ở Quảng Nam xuất khẩu vào Trung Quốc là tem truy xuất nguồn gốc chứ không phải tem, nhãn hàng hóa, như nhiều người lo lắng.
Được biết, để đơn giản hóa thủ tục hải quan và giúp thông quan cho các mặt hàng trái cây nhập khẩu từ Việt Nam trong đó có mặt hàng dưa hấu xuất xứ từ Việt Nam được nhanh gọn hơn, cơ quan hải quan Trung Quốc đã chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ hải quan điện tử và mã hóa thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa thông qua tem truy xuất QR code. Với hình thức này, chỉ cần quét mã QR code trên lô hàng, phía hải quan của Trung Quốc sẽ có được những thông tin như, chủng loại sản phẩm, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; tên doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu...
Nên có sự chủ động
Ngoài việc yêu cầu phải có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thị trường nhập khẩu Trung Quốc cũng đã bắt đầu thực hiện thêm một số quy định mới đối với một số loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Đơn cử như trước đây, để vận chuyển các loại trái cây các doanh nghiệp trong nước thường sử dụng các loại rơm khô để bọc, lót sản phẩm.
Tuy nhiên, đến nay vật liệu này sẽ không được phép sử dụng, thay vào đó phía Trung Quốc yêu cầu trong quá trình vận chuyển dưa hấu và các loại trái cây khác phải thay đổi vật liệu đệm, lót bằng các chất liệu không gây hại, không có sinh vật truyền nhiễm. Có thể dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc các sản phẩm dưa hấu. Tương tự, đối với mặt hàng chuối, yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc. Trên các thùng giấy cũng đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc...
Quay trở lại với việc dán tem Trung Quốc lên các quả dưa hấu, đây là lần đầu tiên được thực hiện ở Quảng Nam cũng như nhiều địa phương trong cả nước. Điều này, ít nhiều cũng đã gây ra những lúng túng nhất định đối với các cơ quan chức năng lẫn chính quyền ở địa phương. Mặc dù, các loại tem này là tem truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, và thể hiện rõ ràng đây là hàng “Made in Vietnam”. Tuy nhiên, về lâu dài nhiều người vẫn có những lo lắng, khi tiêu thụ các sản phẩm dưa hấu cũng như các sản phẩm nông sản khác lại phụ thuộc vào con tem từ các đối tác nhập khẩu.
Theo ông Đoàn Ngọc Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam, việc dưa hấu địa phương dán tem có chữ Trung Quốc nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu về truy nguồn gốc, xuất xứ. Nếu không có truy xuất nguồn gốc thì dưa phải xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, có rất nhiều rủi ro, dẫn đến nhiều thiệt thòi cho chính bà con nông dân. Tuy nhiên, các thông tin trên con tem hiện chưa đầy đủ như về công năng, tác dụng, sản xuất theo công nghệ gì… Điều này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của nông sản.
Có thể khẳng định, trước mắt việc dưa hấu Quảng Nam được dán tem ngoại đang có lợi cho người nông dân. Khi các sản phẩm làm ra được xuất khẩu theo đường chính ngạch, giá cả cũng ổn định hơn, khi xuất khẩu theo đường tiểu ngạch đầy may rủi. Thực tế, tại Quảng Nam, Quảng Ngãi hay nhiều địa phương khác các sản phẩm dưa hấu đã phải nhiều lần cần đến việc “giải cứu”...
Tuy nhiên, việc hàng nội nhưng dán tem ngoại rõ ràng mới chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời. Còn về lâu dài chính quyền địa phương cần có những giải pháp để tạo ra riêng thương hiệu cho dưa hấu của Quảng Nam, chứ không nhờ theo con tem của nước ngoài. Trước đó, để xây dựng thương hiệu cho mặt hàng dưa hấu, các cơ quan chức năng cũng đã xúc tiến việc hỗ trợ người dân trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau đó, sẽ đăng ký dán tem truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do đến nay dự án này chưa thể được triển khai.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu nông sản tại TP. Đà Nẵng bổ sung thêm, về lâu dài các cơ quan chức năng cần hướng dẫn bà con đặc biệt ở các khu vực sản xuất chuyên canh nông sản, phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của mình rồi dán lên sản phẩm trước khi xuất khẩu. Khi đó, các nhà nhập khẩu chỉ cần dán thêm các tem phụ theo quy định của nước nhập khẩu. Làm được như vậy nông sản Việt Nam sẽ góp phần khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế.