Doanh nghiệp gặp khó khi giá điện tăng
Trao quyền cho EVN thay đổi giá điện có phù hợp? | |
Bộ Công Thương đề xuất phương án mới tính giá điện sinh hoạt | |
Để giá điện phù hợp với yêu cầu phát triển |
Ngày 3/2/2023 mới đây, Chính phủ có quyết định điều chỉnh khung giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm từ 220 - 537 đồng/kWh. Theo đó khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa gồm thuế VAT) tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh và giá tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. Như vậy, so với mức khung cũ được quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng/kWh. Việc điều chỉnh giá điện dự báo sẽ có nhiều tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Việc điều chỉnh mức tăng giá điện cần phải có lộ trình và cân đối hài hòa |
Trong những năm gần đây, giá điện được giữ ổn định nhằm giảm áp lực cho người dân, DN, nhất là trong thời kỳ nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Theo đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân hiện tại không còn phù hợp với bối cảnh và chưa phản ánh đúng sự biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất - kinh doanh điện, đặc biệt là biến động của giá nhiên liệu. Do đó, cần thiết phải ban hành khung giá thay thế làm cơ sở để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Giá bán lẻ điện bình quân được EVN xây dựng căn cứ theo cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg, trong đó nguyên tắc là nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên, giá sẽ tăng và ngược lại. Tuy nhiên, mặt hàng chiến lược này ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, đời sống của người dân nên việc điều chỉnh cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo các chuyên gia, hiện nay lạm phát đang có xu hướng tăng, nhiều DN sản xuất gặp khó khăn do chi phí tăng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng. Nếu giá điện tăng nữa sẽ khiến DN thêm gánh nặng.
Ông Vũ Đức Trường, Giám đốc CTCP Thương mại và Kỹ thuật Hoàng Trường (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, thời gian qua, do giá nguyên vật liệu tăng mạnh đẩy chi phí sản xuất tăng cao, chi phí đầu vào tăng buộc công ty phải điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm. Nếu giá điện tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành các mặt hàng, vì đây là một yếu tố đầu vào quan trọng. Công ty mong muốn ngành điện tính toán mức tăng giá hợp lý, minh bạch thông tin để các DN, khách hàng chủ động trong việc điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như giá bán sản phẩm.
Theo ông Hoàng Văn Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Aligro (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), sản xuất kinh doanh trong ngành may mặc nên DN phải sử dụng nhiều năng lượng điện. Ngay từ khi đi vào hoạt động, DN đã chú trọng đến việc tiết kiệm năng lượng như đầu tư lắp đặt các trang thiết bị hiện đại tiêu hao ít năng lượng. Một trong các giải pháp tiết kiệm điện trong công nghiệp rất hiệu quả là xây dựng hệ thống giám sát lượng điện năng tiêu thụ để có phương án điều tiết, điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, các thiết bị chiếu sáng hay nhà xưởng của công ty đều là các sản phẩm tiết kiệm điện, hoạt động an toàn, bền bỉ. Đồng thời, công ty cũng có nội quy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Linh cũng nhấn mạnh, chi phí cho năng lượng (điện) chiếm tỷ lệ quan trọng trong giá thành sản phẩm. Giá điện tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Thời gian tới, DN tiếp tục xây dựng nền tảng dệt may bền vững bằng việc đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng để nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), thực tế hiện nay, giá nguyên vật liệu đều tăng mạnh khiến chi phí sản xuất điện tăng, trong khi giá bán điện bình quân hiện hành đang được giữ ổn định từ năm 2019 cho đến nay khiến ngành điện thua lỗ. Vì vậy việc tăng giá điện là cần thiết. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng giá điện sẽ ảnh hưởng tới tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Do đó, việc điều chỉnh mức tăng và lộ trình thực hiện cần phải cân đối hài hòa và phải được tính toán rất kỹ. Bên cạnh đó, cũng phải có ngay những biện pháp quyết liệt để hạn chế tác động lan tỏa của việc điều chỉnh giá điện. Các DN sản xuất kinh doanh cũng cần phải có phương án, giải pháp tổng thể để làm sao tiết giảm được chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, để thích ứng được với thị trường và nâng cao tính cạnh tranh.
Việc điều chỉnh tăng giá điện sẽ ảnh hưởng tới tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Do đó việc điều chỉnh mức tăng và lộ trình thực hiện cần phải cân đối hài hòa và phải được tính toán rất kỹ. Bên cạnh đó, cũng phải có ngay những biện pháp quyết liệt để hạn chế tác động lan tỏa của việc điều chỉnh giá điện. Các DN sản xuất kinh doanh cũng cần phải có phương án, giải pháp tổng thể để làm sao tiết giảm được chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. |