Chủ động và tích cực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Đa dạng hóa chuỗi cung ứng | |
Đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa Việt | |
Chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả không chỉ dựa trên vận hành và chi phí |
Thách thức từ các FTA
Theo PGS-TS. Hà Văn Hội - Trưởng khoa, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia, Việt Nam hiện đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế với 17 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao. Tuy đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế, nhưng các cam kết tại FTA cũng đặt ra thách thức nhất định trong việc giữ vững tự chủ trong phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu của nước ta.
Cụ thể, dù đã có nhiều cải thiện nhưng sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế còn yếu, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi đại dịch đã và đang tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu khiến doanh nghiệp chưa tận dụng hiệu quả các cơ hội có được từ hội nhập kinh tế quốc tế… Bên cạnh đó, các FTA đặc biệt là FTA thế hệ mới chứa nhiều quy định mới, đòi hỏi sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và các quy định này. Một thách thức nữa đặt ra là với cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương trong việc chỉ đạo triển khai cam kết trong FTA một cách phù hợp, có lộ trình, đảm bảo không phụ thuộc vào đối tác nào, thị trường nào. Trong khi đó, dù đã có nhiều cải thiện nhưng thực tế quản lý, điều hành của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế.
Việt Nam cần chủ động và tích cực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu |
Đặc biệt, khi khả năng phụ thuộc của kinh tế nước ta với bên ngoài tăng lên, trong xu hướng chuyển sản xuất về các nền kinh tế phát triển, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giảm, sức ép bảo hộ tăng lên từ các nền kinh tế lớn. Điều này đối với các nước đang phát triển, đang rất cần vốn đầu tư như Việt Nam, sẽ rơi vào bẫy nợ hoặc bẫy công nghệ, từ đó độc lập kinh tế bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia cao cấp về Hợp tác và Hội nhập khu vực, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) chỉ ra, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bắt đầu có dấu hiệu cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, ảnh hưởng đến thị trường khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, bẫy thu nhập trung bình cũng là một thách thức mang tính cơ cấu, đòi hỏi phải tăng trưởng năng suất lao động mạnh mẽ hơn. Do đó các nước phải tái thiết theo phương thức mới, hiệu quả hơn, dựa vào tiến bộ khoa học công nghệ, tăng ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực y tế xã hội, thúc đẩy áp dụng công nghệ thông tin, thay đổi lối sống nhằm chuẩn bị tốt hơn cho khủng hoảng trong tương lai.
Lựa chọn chính sách hội nhập
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho rằng, thời gian qua Việt Nam đã tham gia nhiều FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, hướng tới việc đa dạng hoá, đa phương hoá các mối quan hệ và đặc biệt là xây dựng chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động hiện nay, từ những khó khăn của đại dịch, khủng hoảng kinh tế, tài chính, năng lượng… tính tự cường của nền kinh tế càng quan trọng. Việc chủ động hội nhập, lựa chọn chính sách hội nhập sẽ giảm được tối đa khả năng lệ thuộc của nền kinh tế.
Về vấn đề này, theo PGS-TS. Hà Văn Hội, Việt Nam cần cân nhắc thận trọng trong quá trình thực hiện cam kết trong FTA. Cùng với đó, quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật phù hợp với các cam kết này cũng cần có lộ trình, bước đi thận trọng để vừa củng cố sự tự chủ của nền kinh tế, vừa đảm bảo hội nhập thành công. Ngoài ra, cần tiếp tục nhìn nhận rõ chính sách thu hút nguồn lực bên ngoài, đặc biệt là thu hút vốn FDI, không thể đánh đổi bằng mọi giá mà cần có chọn lọc.
PGS-TS. Vũ Minh Khương - Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) cũng cho rằng, trong thế giới nhiều biến động, một nền kinh tế tự chủ, tự cường sẽ giúp Việt Nam tiến lên vượt bậc. Vì thế, trong quá trình hội nhập, cần học hỏi, “đứng trên vai người khổng lồ” để khai thác tốt nguồn lực, tập trung cho đổi mới sáng tạo, nỗ lực đột phá trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cấp chất lượng quản trị quốc gia.
Theo chuyên gia đến từ ADB, định hướng tăng cường hội nhập kiên định và nhất quán của Việt Nam là đúng đắn. Tuy nhiên cần có biện pháp tích cực nâng cao kỹ năng ở quy mô đại trà, khuyến khích ứng dụng công nghệ và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, mở rộng an sinh xã hội để phát triển đồng đều. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng theo hướng bền vững, huy động mọi nguồn lực quốc tế và tư nhân, có thể thông qua việc tăng cường hợp tác với các đối tác phát triển đa phương. Đồng thời tăng cường kết nối chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu của doanh nghiệp trong nước thông qua thương mại, đầu tư, dịch chuyển lao động và công nghệ.
Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng chính các doanh nghiệp cũng cần nâng cao tính tự cường, chủ động trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu dựa trên giá trị cốt lõi và lợi thế cạnh tranh riêng của mình. Tuy nhiên, điều này không chỉ dựa trên nỗ lực của bản thân doanh nghiệp mà cần lực đẩy từ nhà nước, địa phương với vai trò “bà đỡ”. Thực tế, trong thời gian qua, cũng đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp cả về “phần cứng” và “phần mềm”, tạo ra nhiều thúc đẩy tích cực nhưng trong thời gian tới vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Đặc biệt là sự hỗ trợ kịp thời, công bằng dành cho các doanh nghiệp, đơn cử như việc triển khai các gói hỗ trợ trong chương trình phục hồi kinh tế tới đây của Chính phủ.