Đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa Việt | |
Chuỗi cung ứng hoạt động hiệu quả không chỉ dựa trên vận hành và chi phí |
Việc làm chủ nguyên liệu là chìa khoá để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và chắc chắn hơn trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Chính nhờ có thể phần nào tự chủ và đa dạng hóa được nguyên liệu sản xuất cho nên mặc dù chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nhưng kết quả sản xuất ngành dệt may và da giày có thể cán đích vượt kế hoạch xuất khẩu năm 2021 mức 39 tỷ USD.
Gặp khó khi lệ thuộc nguyên liệu nhập
Là hai trong số những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, tạo công ăn việc làm cho hơn 3,4 triệu lao động, tuy nhiên nguyên, phụ liệu dùng để sản xuất của ngành hàng Dệt may và da giày này chủ yếu là nhập khẩu. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, giá trị nội địa trong xuất khẩu của ngành dệt may là lớn nhất, đạt tỷ lệ 51 - 52%. Tuy vậy, ngành dệt may cũng phải nhập nguyên liệu từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc và các nước phát triển như châu Âu, Ý và Tây Ban Nha…
Theo thống kê năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam ở mức 39 tỷ USD và con số nhập khẩu nguyên, phụ liệu cho làm hàng xuất khẩu lên đến 24 tỷ USD. Điều này cho thấy sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài về nguồn nguyên liệu vẫn đang duy trì ở mức cao. Đợt dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ rõ nhất hạn chế này, không ít doanh nghiệp dệt may như "ngồi trên đống lửa" vì các đối tác cung cấp nguyên, phụ liệu không thể giao hàng, làm ảnh hưởng đến 20 - 30% năng lực sản xuất toàn ngành.
Cũng vậy, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, nguyên phụ liệu ngành da giày Việt Nam nhập khẩu chính từ Trung Quốc (60%), tiếp đến là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Những năm gần đây, việc chủ động nguyên phụ liệu có sự chuyển biến khá tốt khi các doanh nghiệp da giày đã chuyển dần chuỗi cung ứng sản xuất nguyên phụ liệu vào Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đó chỉ thực hiện chủ yếu ở doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hạn chế nguồn lực nên chưa chủ động trong việc giải quyết nguyên phụ liệu tại chỗ. “Lefaso mong chiến lược phát triển nguyên phụ liệu cần tạo ra được vùng, khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành công nghiệp da giày, dệt may được phát triển và có cơ chế chính sách ưu đãi thuế quan tốt hơn để thúc đẩy phát triển nguyên phụ liệu sản xuất tại Việt Nam”, bà Xuân nói.
Kết nối chuỗi cung ứng trong nước
CTCP Đầu tư và Thương mại TNG là một trong số ít doanh nghiệp may mặc đã chủ động được nguyên liệu bông, dây chuyền đóng gói và in tên sản phẩm nhờ tự đầu tư xây dựng nhà máy. Ban đầu, công ty này cũng phải nhập khẩu nguyên liệu xơ sợi từ Hàn Quốc, Thái Lan; đến khi chuyển sang sử dụng xơ sợi tái chế mới chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước khoảng 80%. "Việc đầu tư, phát triển được công nghiệp phụ trợ trong nước có nhiều lợi ích như chi phí vận chuyển giảm, việc lệ thuộc vào ngoại tệ giảm nhiều, vì doanh nghiệp đang sử dụng từ xơ sợi sản xuất trong nước", ông Lã Anh Chiến - Giám đốc chi nhánh Nhà máy Bông TNG khẳng định.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng trước mắt cơ quan chức năng liên quan cần minh bạch danh sách và dữ liệu các doanh nghiệp đang xuất khẩu nguyên liệu sản xuất. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp trong nước đang sản xuất nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, đều là nguyên liệu mà các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cần. “Nếu các doanh nghiệp trong nước kết nối cung ứng khép kín thị trường trong nước sẽ giúp loại bỏ nguy cơ thiếu hoặc phải mua nguyên liệu nhập với giá cao, rút ngắn thời gian vận chuyển; đặc biệt, giảm rủi ro gián đoạn sản xuất do sự đứt gãy logistics toàn cầu hiện nay”, ông Vũ Đức Giang đề xuất.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas khẳng định, Vitas sẽ tiếp tục kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cần nhiều giải pháp từ chính sách
Theo các chuyên gia kinh tế, là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tuy nhiên để được hưởng những lợi ích mà các FTA mang lại, ngành dệt may trong nước phải đáp ứng được các quy tắc ứng xử. Cụ thể, đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là quy tắc “từ sợi trở đi”; với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là “từ vải trở đi”.
“Ở tầm chiến lược quốc gia, chúng ta phải có giải pháp đầu tư vào phần cung thiếu hụt của các ngành công nghiệp dệt may, da giày để tận dụng lợi ích từ dòng thuế đó. Việc ban hành một chiến lược cụ thể sẽ góp phần quy hoạch lại ngành dệt may theo địa phương và vùng miền, xác định được những địa phương nào nằm trong khu vực cần phải đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp để kêu gọi đầu tư vào sản xuất nguồn cung thiếu hụt cho ngành dệt may và thậm chí là cả ngành da giày, một trong những điểm nghẽn của Việt Nam thời gian qua. Đã đến lúc chúng ta phải đi bằng đôi chân của chính chúng ta, phát triển bằng nội lực của chúng ta”, ông Giang khẳng định.
Các chuyên gia cho rằng cần phát triển dệt may theo hướng chuyên môn hóa, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp để hình thành nên các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị cho ngành dệt may. Ông Phạm Văn Lượng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Viện Nghiên cứu Dệt may Việt Nam đề xuất, trong thời gian tới, Việt Nam rất cần có chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ dệt nhuộm bền vững để phát triển ngành dệt may Việt Nam. Theo đó, cần khuyến khích đầu tư sản xuất sợi, vải trong nước, đáp ứng yêu cầu chất lượng cho may xuất khẩu, quy tắc xuất xứ của các FTA thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa, để cải thiện và giảm nhanh khoảng cách chênh lệch về trình độ và năng suất với các nước có ngành dệt phát triển cao hơn.
"Cần xây dựng một số khu công nghiệp ngành dệt may đồng bộ bao gồm chuỗi sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất vải, may mặc; hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh giữa sản xuất sợi, vải, may và sản xuất nguyên, phụ liệu; ưu tiên dự án sử dụng công nghệ hiện có tốt nhất, có quy trình sản xuất đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu về sản xuất dệt may bền vững, tuần hoàn", ông Lượng cho biết.
Về phía cơ quan quản lý, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương thông tin: Ngành Công thương đã thành lập các tổ công tác đặc biệt về bảo đảm nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các địa phương. Đồng thời, ngành tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, năng lượng phục vụ sản xuất, duy trì hoạt động đối với các dự án sản xuất công nghiệp.