Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về chính sách và thể chế
Lan tỏa chuyển đổi số trong và ngoài ngành Ngân hàng | |
SmartPay đồng hành chuyển đổi số cùng tiểu thương ngành F&B | |
Nâng cao năng lực chuyển đổi số cho DNNVV |
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, khai mạc vào ngày 22/5/2023 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); xem xét, cho ý kiến một số dự án Luật như Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là những luật quan trọng, liên quan nhiều đến quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế hay chuyển đổi số trong lĩnh vực cụ thể như tài chính, ngân hàng. Cuối tuần qua, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức toạ đàm lấy ý kiến về các dự án luật này.
Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội chia sẻ, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có một số chủ trương, chính sách lớn về chuyển đổi số, tiêu biểu là Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên trong công tác xây dựng, thực thi chính sách về chuyển đổi số vẫn còn nhiều vướng mắc. Hiện nay, các giao dịch trên môi trường điện tử khá phổ biến nhưng hành lang pháp lý cho vấn đề này còn nhiều hạn chế, gây cản trở cho sự phát triển.
Trong nhiều lĩnh vực, việc áp dụng giao dịch điện tử vẫn khó khăn do thiếu các quy định cụ thể ở cấp độ văn bản Luật. Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, khung pháp lý chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế với nhu cầu giao dịch điện tử phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như hành chính, dân sự, kinh tế và xã hội, môi trường và phương thức giao dịch thay đổi với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho giao dịch điện tử trực tuyến... Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là các luật, là hết sức cần thiết, nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tránh nguy cơ tụt hậu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với công cuộc chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
TS. Trần Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) đánh giá, Luật Giao dịch điện tử và Luật Viễn thông là hai luật gốc để thúc đẩy chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều ý kiến cho rằng các dự án Luật này chưa làm nổi bật bối cảnh khoa học, công nghệ đang phát triển nhanh chóng, xu hướng hội tụ, giao thoa giữa viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số,... dẫn tới việc khó phân biệt rạch ròi ranh giới giữa các lĩnh vực này, phần nào gây lúng túng trong quá trình xây dựng các chế định pháp lý phù hợp.
Đối với Luật Viễn thông, ông Trần Văn cho rằng các dịch vụ như trung tâm dữ liệu; điện toán đám mây; dịch vụ OTT viễn thông… tuy mới xuất hiện nhưng cũng cần có pháp luật điều chỉnh ở mức độ nhất định với phương thức phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý vừa tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này. Một số vấn đề cụ thể khác, theo ông Văn sẽ gây cản trở đối với hoạt động chuyển đổi số trong nền kinh tế. Đơn cử quy định về bảo đảm bí mật thông tin (Điều 6), Dự thảo Luật quy định OTT là dịch vụ viễn thông, đồng thời, quy định các doanh nghiệp viễn thông phải cung cấp cho cơ quan nhà nước danh tính cụ thể của người sử dụng dịch vụ viễn thông khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. TS. Trần Văn phân tích, nội dung này khó khả thi vì khác với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT không có thông tin chính xác về danh tính cụ thể của người sử dụng.
Quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp và công cuộc chuyển đổi số |
Hiện nay, dịch vụ OTT viễn thông phát triển rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các dịch vụ tin nhắn và thoại truyền thống của các doanh nghiệp viễn thông ở nhiều quốc gia bao gồm cả thị trường Việt Nam. Do đó quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số mà chúng ta đang thúc đẩy.
Ông Lê Bá Tân, Trưởng Ban công nghệ, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cho rằng thực tiễn của ngành viễn thông và hạ tầng viễn thông đã thay đổi và chuyển dịch rất nhiều, nên Viettel rất ủng hộ việc sửa đổi Luật Viễn thông nhằm tạo tiền đề cho nền kinh tế số hoặc một số hoạt động để chuyển đổi số quốc gia. Theo ông Tân, dịch vụ viễn thông hiện nay đã được cung cấp xuyên biên giới và gần như toàn cầu nên quản lý như thế nào để mang lại giá trị hiệu quả cho xã hội, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia là vấn đề cần được quan tâm. Bên cạnh đó, đại diện của Viettel cũng cho rằng Luật Viễn thông (sửa đổi) cần làm rõ một số yếu tố như tính phổ cập, bền vững, hiện đại, yếu tố thân thiện, xanh với môi trường. Ngoài ra trong luật này cũng cần hành lang pháp lý để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể cân bằng cán cân trong việc cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây.
Đối với Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), nhiều đơn vị đánh giá các quy định trong luật sẽ tạo ra thủ tục hành chính mới, tạo thêm gánh nặng chi phí vận hành, chi phí tài chính, chưa rõ về tính khả thi và hiệu quả trong thực thi. Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập Ví điện tử MoMo chia sẻ, hiện nay ứng dụng của ví điện tử và app của các ngân hàng đang vận hành theo mô hình siêu ứng dụng (super-app), tức là có dịch vụ của riêng mình và các bên khác nhúng vào. Nếu Luật Giao dịch điện tử giao cho các đơn vị liên quan trách nhiệm cung cấp thông tin, quản lý nền tảng số, báo cáo thông tin hàng năm… sẽ tạo thêm gánh nặng tuân thủ rất lớn. Vì theo pháp luật chuyên ngành thì thông tin liên quan lĩnh vực tài chính ngân hàng là thông tin mật, ngoài cung cấp cho NHNN thì chỉ cung cấp cho cơ quan thanh tra, công an.
“Chúng tôi là nền tảng số trung gian, đã thực hiện báo cáo nhiều thông tin hoạt động cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Với Luật này, cần quy định rõ việc cung cấp thông tin có được áp dụng loại trừ với hoạt động liên quan tài chính ngân hàng không, vì vấn đề này đã có quy định riêng rất chặt chẽ rồi”, ông Diệp phân tích.
Đối với ngành đặc thù như tài chính ngân hàng, hiện nay hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử đã khá hoàn thiện và chịu sự điều chỉnh theo các quy định của NHNN. Vì vậy, một số quy định ràng buộc đối với ngân hàng sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ thống, cũng như gây ra tình trạng chồng chéo quy định. Điển hình như quy định chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu; hay quy định về chữ ký số, chữ ký điện tử, chữ ký điện tử chuyên dùng, chưa được làm rõ và quy định cụ thể trong trường hợp nào thì sử dụng loại chữ ký nào… cũng gây nhiều lúng túng cho các đơn vị.