Chuyển đổi tài chính trong hệ thống tài chính - ngân hàng hậu COVID-19
Những xu hướng Chuyển đổi Tài chính mới
Nhiều câu hỏi được đặt ra cho các CFO về các xu hướng tài chính mới và làm sao để tận dụng cơ hội phát triển trong bình thường mới. Không chỉ từ phía Hội Đồng Quản Trị hay các cổ đông, những vấn đề này đồng thời cũng được cân nhắc bởi các CFO và Khối tài chính:
Quản trị và tối ưu chi phí: Khi xảy ra đại dịch, các câu hỏi được đặt ra là Ngân hàng nên quản trị, tối ưu chi phí như thế nào; với ngân sách được đưa ra, làm sao để thiết lập những nguyên tắc và quy trình quản trị chi phí phù hợp cho tổ chức của mình.
Quản trị hiệu quả sản phẩm khách hàng, kênh phân phối:Hiện nay nhu cầu và hành vi tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng. Phối hợp cùng Khối tài chính, các Khối kinh doanh có thể xác định được các sản phẩm, đối tượng khách hàng, kênh phân phối mang lại lợi nhuận vượt trội để có thể nhanh nhạy định hướng chính sách Marketing phù hợp và phát triển sản phẩm mới.
Từ khi xảy ra COVID-19, khách hàng có nhu cầu mạnh mẽ về thông tin cập nhật nhất về tài khoản của mình, trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng nhanh nhất trên nền tảng số với ứng dụng thân thiện nhất. Việc đo lường, phân tích, quản trị hiệu quả kết hợp với công nghệ một cách chiến lược sẽ đưa ra các thông tin có ý nghĩa đầy đủ và nhanh chóng. Từ đó, Khối tài chính có thể phối hợp với những bộ phận khác của Ngân hàng để đưa ra chính sách khách hàng và tính toán lương thưởng thỏa đáng cho nguồn nhân lực.
Lập kế hoạch: Dưới tác động của đại dịch, Ngân hàng và các tổ chức tài chính đã phải thay đổi các mục tiêu tài chính vì có thêm những chi phí mới đặc thù sau COVID-19, ví dụ như kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh (Business Continuity Planning), an toàn phòng chống dịch, sức khỏe, đầu tư vào số hóa các sản phẩm, dịch vụ… Trong trạng thái bình thường mới, hoạch định giả định cho các tình huống, kế hoạch dịch chuyển kênh từ truyền thống sang số, và dịch chuyển cơ cấu thu nhập cũng là những vấn đề quan trọng cần cân nhắc. Sẽ có nhiều thay đổi khi Khối Tài chính làm việc với Ban điều hành và các Khối, Trung tâm, Phòng Ban khác như Kế hoạch, Chiến lược, Quản trị rủi ro, Nguồn vốn, các Khối Kinh doanh và Hỗ trợ để lập kế hoạch chiến lược, lên ngân sách, báo cáo và dự báo.
Các bên liên quan cần cân nhắc khung thời gian lập kế hoạch chiến lược cho hợp lý do các chính sách của Ngân hàng có thể thay đổi nhanh hơn trong thời kì chuyển đổi, như xu hướng của một số Ngân hàng quốc tế những năm gần đây đã chuyển sang lập kế hoạch 3 năm thay vì 5 năm như trước đây, để thích ứng vớichuyển đổi trong bối cảnh của những xu hướng công nghệ mới. Có rất nhiều kịch bản tăng trưởng được đưa ra bởi các chuyên gia, tổ chức thế giới, nhưng không ai chắc chắn hoàn toàn. Sự hiểu biết sâu sắc về Ngân hàng và các chính sách sẽ giúp các CFO dự đoán và lập ngân sách phù hợp cho tổ chức của mình.
Vai trò chiến lược: Ban lãnh đạo, Ban điều hành và các Khối kinh doanh mong muốn có những thông tin không chỉ trong quá khứ, mà còn có thể sử dụng để dự đoán được tương lai phù hợp và nhanh nhất. Nhiều Khối và Tổ chức trong và ngoài Ngân hàng đã và đang làm việc với các Khối kinh doanh và Khối tài chính để có thể cung cấp những thông tin tốt để hỗ trợ các quyết định chiến lược. Khối Tài chính sẽ có vai trò chiến lược, là cố vấn tin cậy cho các Khối kinh doanh và Ban điều hành Ngân hàng thay vì đơn thuần là cung cấp và bình luận các thông tin tài chính.
Các quy định pháp lý và chuẩn mực báo cáo mới: Trong vài năm gần đây, nhiều quy định pháp lý được Ngân hàng nhà nước, Bộ tài chính ban hành như Basel II, Thông tư 41, Thông tư 13… là những cú hích giúp các Ngân hàng nhận ra việc cần dữ liệu tốt và thống nhất giữa các Khối trong toàn hàng, các báo cáo thường xuyên và cập nhật nhất, và sự phối hợp chặt chẽ giữa Kế hoạch, Chiến lược, Quản trị rủi ro, Tài chính, Nguồn vốn… Các thời hạn triển khai Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) không còn xa. Đối với các Ngân hàng, quá trình chuyển đổi theo các chuẩn mực này cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là IFRS 15 (Revenue from contracts with customers – Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng) và IFRS 9 (Financial instruments – Công cụ tài chính) được đánh giá là hai thay đổi IFRS ảnh hưởng lớn đến dịch vụ tài chính trong 15 năm gần đây. Chính sách và các tính toán dự phòng với Covid-19, song song với việc chuẩn bị cho IFRS9 Expected Credit Loss (Mô hình tổn thất tín dụng dự kiến) sẽ là vấn đề được quan tâm.
Các nền tảng cho công cuộc Chuyển đổi tài chính
Có ba yếu tố chính thúc đẩy chuyển đổi tài chính với trọng tâm xuyên suốt là chuyển đổi số.
Nguồn lực (People): Đối với Khối tài chính, Ngân hàng cần có đội ngũ với hiểu biết, khả năng và kinh nghiệm về kế toán, tài chính, công nghệ và phân tích dữ liệu để đat được những thành tựu lớn và tổ chức đội ngũ này một cách hợp lí. Đội ngũ này cần làm việc hiệu quả khi ở Ngân hàng cũng như lúc phải làm việc ở nhà do Covid và biết áp dụng tốt những công nghệ, công cụ cho công việc của mình.
Quy trình (Process): Nguồn lực Khối tài chính với sự trợ giúp của các hệ thống, công cụ công nghệ, chính sách kiểm soát tốt sẽ làm các quy trình nhanh và tốt hơn rất nhiều. Trong khảo sát CFO của PwC năm 2020, 56% các lãnh đạo này đồng ý đầu tư vào công nghệ sau Covid-19 sẽ nâng cao hiệu quả tổ chức của họ đáng kể.
Quản lý Hiệu quả (Performane): Nguồn lực và Quy trình tốt mang đến những cơ hội chuyển đổi cho Ngân hàng. Khối tài chính sẽ đóng vai trò trợ giúp, tư vấn và đồng hành với các Khối kinh doanh và Ban điều hành cũng như Hội đồng quản trị để giúp họ đưa ra các quyết định tốt hơn với dữ liệu quá khứ, hiện tại và các dự báo tương lai.
Tại Việt Nam, cuộc sống bình thường mới diễn ra khá sớm nhờ những thành quả chống dịch tốt, trong khi nhiều quốc gia khác vẫn trong tình trạng cách ly xã hội và làm việc tại nhà. Những mối quan tâm của các CFO các Ngân hàng châu Âu, châu Mỹ có một số diểm khác biệt so với các CFO của các Ngân hàng Việt Nam, nhưng cũng có một số chính sách các Ngân hàng Việt Nam đã và đang tìm hiểu để chuẩn bị cho tương lai chiến lược của Ngân hàng. Dưới đây là một số vấn đề các CFO trong các Ngân hàng toàn cầu quan tâm trong những năm gần đây, và vì Covid-19 những chuyển đổi này lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Một số xu hướng về ứng dụng công nghệ và phân tích dữ liệu trong chuyển đổi Tài chính ● Thay đổi nền tảng công nghệ Tài chính với môi trường công nghệ đám mây (Cloud ERP/ EPM and Digital platforms) với mục tiêu ROI cao: Oracle, SAP, Workday, Anaplan… ● Tự động hóa (Automation): Sử dụng Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence), Robotic process automation, Natural language processing để tự động hóa nhiều quy trình. ● Cải tiến quy trình và Tự động hóa (Process Excellence): Nhiều Ngân hàng lớn trên thế giới đã chuẩn hóa và giản lược các quy trình để tăng hiệu quả. Kết quả là Off-shoring, Near-shoring và Outsourcing một số công việc cần nhiều nguồn lực với chi phí thấp hơn. |