Chuyên nghiệp hóa tín dụng vi mô
“Xếp hàng” xin thành lập
Với tên gọi “Định hướng phát triển ngành tài chính vi mô (TCVM) tại Việt Nam”, buổi hội thảo được tổ chức tại Quảng Bình cuối tuần qua hướng tới mục tiêu thông tin toàn diện về vai trò của lĩnh vực này đối với hoạt động xóa đói giảm nghèo khu vực miền Trung.
Không có lịch sử phát triển lâu đời, năm 2010 Luật Các TCTD (sửa đổi) mới cho phép các tổ chức TCVM hoạt động chính thức và độc lập. Còn trước đó, từ những năm 1980, ở Việt Nam đã có các quỹ, chương trình TCVM do các hội đoàn thể thành lập ra.
Đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 2195/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020, là cơ sở nền tảng mở ra sự phát triển với TCVM.
Đến nay, đã có 3 tổ chức TCVM được NHNN cấp phép là M7, TYM và Thanh Hóa; khoảng 34 tổ chức TCVM bán chính thức do các tổ chức hội đoàn thể lập ra, hoạt động ở các địa phương từ Bắc tới Nam.
Hoạt động TCVM góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện an sinh xã hội |
Có thể khẳng định gần 3 thập kỷ qua, hoạt động TCVM không ngừng đổi mới, phát triển cả về quy mô, sự đa dạng; góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của đất nước, cải thiện an sinh xã hội. Nhiều hộ gia đình nhờ nguồn vốn của tổ chức TCVM đã nâng cao được thu nhập, tạo dựng tài sản; cải thiện sức khỏe, giáo dục cho các thành viên gia đình...
Để phát huy hiệu quả đóng góp vào tiến trình phát triển nêu trên, thời gian tới, NHNN sẽ xem xét để có thể cấp phép cho các tổ chức TCVM bán chính thức, nếu đủ điều kiện. “Hiện nay có khá nhiều hồ sơ xin cấp phép để trở thành tổ chức TCVM chính thức”, bà Nguyễn Thị Thương Hà, Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động NH (Cơ quan Thanh tra giám sát NH, NHNN) cho biết.
Theo ông Hoàng Quốc Mạnh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động NH, khi các tổ chức trên được cấp phép thì hoạt động này sẽ “phủ sóng” rộng hơn, phát huy hiệu quả hơn. Các tổ chức này sẽ hoạt động trong khuôn khổ pháp lý, được giám sát về tuân thủ tiêu chuẩn an toàn của Nhà nước, do đó bên cạnh việc huy động vốn xã hội vào phát triển kinh tế, còn tránh được những rủi ro trong hoạt động cho vay...
Nhận định về tương lai hoạt động này, theo ông Jagdeep Dahiya, Tư vấn trưởng dự án Công ty Microsave (Ấn Độ), trong khoảng 5 năm tới ngành TCVM có tiềm năng phát triển rất lớn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, các tổ chức TCVM thường gặp khó khăn về vốn, nhân lực, cơ sở vật chất, công nghệ, do đó cần các sở, ban, ngành hỗ trợ trong việc tìm nguồn vốn, đào tạo tư vấn… mới có thể thực hiện được mục tiêu giúp cho người nghèo có vốn sản xuất kinh doanh.
Cần quá trình chuyển đổi
Hiện nay, NHNN đang tập trung vào hoàn thiện cơ sở pháp lý phù hợp với đặc thù của hoạt động TCVM.
Đồng thời, nâng cao năng lực hoạch định chính sách và quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước; khuyến khích các chương trình, dự án có hoạt động TCVM chuyển đổi thành tổ chức TCVM chính thức; nâng cao hơn nữa năng lực của tổ chức TCVM, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn, bền vững…
Là tổ chức TCVM mới được cấp phép thành mô hình chính thức, ông Nguyễn Hải Đường, Tổng giám đốc Tổ chức TCVM Thanh Hóa cho biết, xuất phát điểm của tổ chức này là một chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em của địa phương. Sau đó, chương trình đã mở thêm phần tín dụng vi mô cho chị em phụ nữ đang có con nhỏ vay.
“Thời điểm đó nhiều gia đình cạn tiền, phải bán lúa non. Khoảng 100 hộ đã được vay vốn, chỉ với 285 nghìn đồng/hộ, nhưng hiệu quả rất tốt”, ông Đường nhớ lại. Phát huy thành công đó, chương trình tiếp tục được mở rộng dần từ 3 xã lên 36 xã trong tỉnh Thanh Hóa.
Hiện nay, dư nợ của Tổ chức TCVM Thanh Hóa khoảng gần 100 tỷ đồng với hàng ngàn khách hàng. Đặc biệt, thông tin của khách hàng đã hiển hiện trên hệ thống Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC), góp phần nâng cao vị thế, năng lực của một tổ chức TCVM.
“Điểm khác biệt nữa là nếu như trước kia chưa được cấp phép thì Tổ chức TCVM Thanh Hóa chỉ được hoạt động trên địa bàn tỉnh, nay có thể hoạt động trên toàn quốc, với sứ mệnh cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính thân thiện, hiệu quả tới các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, DN siêu nhỏ tại Việt Nam”, ông Đường chia sẻ thêm.
Việc chuyển đổi từ các dự án chương trình cho vay vi mô thành tổ chức TCVM chính thức có nghĩa là chuyển đổi từ tổ chức phi chính phủ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận sang tổ chức tạo ra lợi nhuận.
Theo ông Jagdeep Dahiya, việc chuyển đổi này có thể do đơn vị muốn mở rộng địa bàn hoạt động; có thêm các sản phẩm và dịch vụ mới hoặc để thu hút về nguồn vốn dễ dàng hơn… Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này thì từ tổ chức phi lợi nhuận sang tổ chức TCVM tạo ra lợi nhuận thì cần một số yếu tố cân nhắc.
Đơn cử, tổ chức phải thay đổi mức độ từ mục tiêu, sứ mệnh tầm nhìn. Do đó, tổ chức TCVM phải lập kế hoạch cụ thể, chi tiết. Làm thế nào để các bên liên quan hiểu được tổ chức mình khi chuyển đổi.
“Chẳng hạn, với khách hàng đã gắn bó 5 năm, khi tổ chức không vì lợi nhuận và tới đây là phải có lợi nhuận nên phải có chi phí trong vốn vay. Vì vậy, làm thế nào để khách hàng hiểu là rất quan trọng”, ông Jagdeep Dahiya lưu ý.