Cơ chế mở đường để dự án kho cảng đón nhà đầu tư ngoại
Phát triển điện khí LNG là xu hướng tất yếu Thiếu cơ chế cụ thể phát triển điện khí LNG tại Việt Nam Chuyển đổi năng lượng đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ |
Kho cảng LNG Hải Linh sẽ chính thức được vận hành hoạt động vào tháng 9/2024. |
Sự gia nhập thị trường của nhà đầu tư ngoại
Trong đó, tính đến thời điểm hiện tại ghi nhận hai cảng LNG hiện hữu là cảng LNG Thị Vải (đã vận hành) và Kho cảng LNG Hải Linh sẽ chính thức được vận hành hoạt động vào tháng 9/2024 tới đây. Đáng chú ý, thị trường này trở nên sôi động khi gần đây chứng kiến sự mạnh tay chi tiền đầu tư của các nhà đầu tư ngoại có danh tiếng. Mới đây, là cái bắt tay của Atlantic Gulf & Pacific (AG&P) LNG với Công ty TNHH Hải Linh để mua lại 49% cổ phần kho cảng LNG Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án Kho cảng LNG Cái Mép do Công ty TNHH Hải Linh, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hàng đầu tại Việt Nam làm chủ đầu tư, đã hoàn thiện xong phần đầu tư xây dựng. Dự án có vị trí kết nối thuận tiện với nhiều đường cao tốc để có thể cung cấp nguồn LNG đáng tin cậy cho một số khu vực trọng điểm gần đó. Đồng thời, kho cảng LNG Cái Mép còn được kết nối qua tuyến ống với tổ hợp các nhà máy điện có quy mô lớn nhất Việt Nam, khu công nghiệp Phú Mỹ, với công suất điện khí là 3,9 GW.
Khu cảng này có vị trí chiến lược gần Đồng bằng sông Cửu Long và có ba bể chứa trên bờ với tổng sức chứa 220.000 m3 LNG, có hệ thống giao nhận có thể nạp LNG vào bồn chứa và xuất LNG cho các tàu nhỏ hơn. Với 14 trạm nạp xe bồn cho CNG và LNG, kho cảng LNG Cái Mép kết nối thuận tiện với nhiều đường cao tốc để có thể cung cấp nguồn LNG đáng tin cậy cho một số khu vực trọng điểm gần đó. Hiện nay đã sẵn sàng đưa vào chạy thử và vận hành thương mại.
Được biết, ban đầu dự án trên thuộc về Công ty TNHH Hải Linh, là đơn vị được biết tới là một trong ít các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kho cảng, điện khí và đặc biệt là một trong những doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và phân phối xăng dầu. Cũng là doanh nghiệp đầu mối được cấp phép nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam. Cho đến ngày 7/3/2024 vừa qua, Công ty TNHH Hải Linh đã chính thức chuyển nhượng 49% cổ phần dự án cho nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ (một công ty con của tập đoàn Nebula Energy).
Atlantic Gulf & Pacific (AG&P) LNG được biết đến là một doanh nghiệp hàng đầu về phát triển và vận hành hậu cần khí đốt và LNG, cùng các giải pháp phân phối. AG&P cung cấp cơ sở hạ tầng để tiếp cận khí thiên nhiên một cách an toàn và dễ dàng tại các thị trường mới và đang phát triển. AG&P cũng hoạt động với tư cách là chủ sở hữu và nhà cung cấp các dịch vụ bao gồm phát triển, tài chính, kỹ thuật, mua sắm, quản lý dự án và xây dựng cơ sở hạ tầng khí đốt trên đất liền và ngoài khơi, liên kết các nhà cung cấp với khách hàng hạ nguồn.
Cơ chế mở đường cho điện khí
Đặc biệt, mới đây để gỡ vướng cho các dự án điện LNG, khí hóa lỏng nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo an ninh năng lượng. Hội Dầu khí Việt Nam đề xuất loạt giải pháp để mở đường cho ngành công nghiệp này. Theo đó, cơ quan này đã đề nghị một số khuyến nghị về cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện, tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn ở mức tối thiểu 70% trong thời gian trả nợ. Đồng thời để phù hợp với thực tế các dự án đang triển khai/hoạt động cũng như hình thành trong tương lai, Hội Dầu khí đề nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế cho dự án nhà máy điện khí trong chuỗi sử dụng LNG.
Cụ thể, Chính phủ đồng ý nguyên tắc cơ chế chuyển ngang giá LNG (bao gồm cả cước phí vận chuyển, cước phí tồn trữ, tái hóa, phí phân phối và các chi phí hợp lý, hợp lệ khác) trong các hợp đồng mua bán LNG sang giá điện của các nhà máy điện khí trong hợp đồng mua bán điện.
Về cam kết sản lượng hợp đồng dài hạn, Dự thảo nghị định nêu, trong giai đoạn đến năm 2030, Chính phủ quy định tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện (PPA) dài hạn ở mức tối thiểu bằng 70% trong thời gian trả nợ của dự án nhà máy điện nhưng không quá 7 năm. Việc này là nhằm đảm bảo khả thi trong thu hút đầu tư, tránh tác động mạnh lên giá bán lẻ cũng như đảm bảo cạnh tranh bình đẳng với các loại hình nguồn điện khác trên thị trường điện.
Tuy nhiên, Hội Dầu khí Việt Nam đề xuất phương án: Chính phủ quy định tỷ lệ tối thiểu điện năng trong hợp đồng PPA theo nguyên tắc ổn định, dài hạn bằng 70% sản lượng điện tối đa của nhà máy điện khí, theo thời gian trả nợ vốn vay của mỗi nhà máy. Tức, việc cam kết sản lượng hợp đồng sẽ diễn ra dài hạn, tùy thuộc thời gian trả nợ của dự án. Đồng thời, để thực hiện hai đề xuất nêu trên, Hội khuyến nghị giao Bộ Công Thương ra các quy định, hướng dẫn liên quan.
Được biết, một trong những vướng mắc suốt thời gian qua trong đàm phán hợp đồng PPA các dự án điện khí, LNG đều liên quan đến cam kết sản lượng hợp đồng (tổng sản lượng điện mua hàng năm). Theo Hội Dầu khí Việt Nam, việc này “gây khó” cho doanh nghiệp thực hiện thanh toán nhập khẩu LNG để tiêu thụ, cung cấp cho nhà máy điện.