Cơ hội để ngành cơ khí đổi mới
Cơ khí muốn viết lại “giấc mơ” trụ cột phát triển | |
Công nghệ là đòn bẩy “thúc” ngành cơ khí | |
Không để ngành cơ khí “tự bơi” |
Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các DN khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho biết, nhiều DN thường sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào xuất xứ từ Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn vì thiếu hụt lượng cung ứng; đặc biệt là các DN ngành cơ khí, chế biến, chế tạo, may mặc chưa tìm được các nhà cung cấp thay thế trong thời gian ngắn.
Lấy ý kiến của 131 DN (trong tổng số 600 DN) được khảo sát cho thấy, doanh thu quý 1/2020 của các DN đều giảm từ 25% - 50% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do đơn hàng giảm, khách hàng chậm thanh toán, không có đơn hàng mới; hàng tồn kho nhiều do không xuất được sang Trung Quốc; giá nguyên liệu tăng cao; chuyên gia nước ngoài chưa trở lại làm việc nên ảnh hưởng đến tiến độ công việc, thiếu sản phẩm bán cho khách hàng, mất cơ hội kinh doanh; trong khi đó, chi phí nhân công vẫn phát sinh, tăng chi phí mua vật dụng bảo hộ…
Ngành cơ khí cần nỗ lực để vượt qua khó khăn trước mắt |
Theo thống kê của Bộ Công thương, ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 32% về nhu cầu sản phẩm trong nước tính theo giá trị. Cả nước hiện có khoảng 25.000 DN cơ khí, chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, có rất ít thương hiệu nổi bật, các DN này đa số là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh. Hiện tại, Việt Nam đang là nước gia công các sản phẩm cơ khí.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng để phát triển ngành cơ khí, TP.HCM cần phải cải thiện năng lực của ngành và của cả DN. Điều đó có nghĩa là phải cải thiện hiện trạng sản phẩm cơ khí của DN nội vì hiện chất lượng còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu sức cạnh tranh. Và điều quan trọng là đang thiếu các DN cơ khí lớn, có thể đóng vai trò dẫn dắt toàn ngành... Cùng với đó, để phát triển, cần phải phát triển các cụm ngành sản xuất, liên kết với nhau nhằm phối hợp các chức năng sản xuất, cung ứng máy móc, phụ tùng, cơ sở hạ tầng...
Hiện dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế cả nước, gây thiệt hại về nhiều mặt, chuỗi cung ứng về vật tư, nguyên liệu cũng bị đứt gãy. Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn nhất của Việt Nam, nhiều mặt hàng nhập khẩu từ nước này dùng trong ngành cơ khí đóng vai trò thiết yếu với sản xuất của các DN.
TS. Reza Akbari, Chủ nhiệm Bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT Việt Nam nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến việc tạm thời đóng cửa hàng loạt dây chuyền lắp ráp và sản xuất trên khắp thế giới, ảnh hưởng trực tiếp từ việc đóng cửa nhiều nhà xưởng và cơ sở sản xuất ở Trung Quốc. Ví dụ như Nissan đã phải giảm sản lượng do việc ngưng hoạt động ở Trung Quốc. Trường hợp tương tự cũng đang diễn ra ở Hàn Quốc nơi Huyndai phải tạm dừng tất cả các hoạt động do thiếu linh kiện, phụ tùng từ Trung Quốc”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, chính việc gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lại là động lực để các DN Việt, nhất là DN ngành cơ khí thay đổi cách thức sản xuất, chuyển đổi chuỗi cung ứng thông minh hơn và kết nối tốt hơn. TS. Akbari chỉ ra rằng, dịch Covid-19 đang khiến nhiều cá nhân và tổ chức lo lắng, nhưng nếu nhìn nhận một cách tích cực thì đây cũng là thời điểm của những cơ hội mới. Do đó, trong thời gian tới, DN cần đầu tư nguồn lực con người, đào tạo nhân lực về quản lý, công nghệ và kỹ năng; tập trung vào các hoạt động, dịch vụ và sản phẩm có giá trị tăng thêm cao, tái lập các quá trình sản xuất, kinh doanh trên cơ sở áp dụng kỹ thuật, phương pháp, công cụ năng suất và chất lượng. Cùng các DN, tổ chức liên quan xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, để tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững.
“Đây cũng là cơ hội rất tốt để DN nhận ra những điểm yếu trong chuỗi cung ứng hiện tại, để vượt qua khủng hoảng toàn cầu và cải thiện chuỗi cung ứng trong tương lai. Những công nghệ đột phá có thể giúp chúng ta thay đổi toàn bộ cơ chế, tiến tới hệ sinh thái chuỗi cung ứng thông minh hơn và kết nối tốt hơn, nhờ đó, tạo nên môi trường làm việc linh hoạt”, TS. Akbari chia sẻ.
Cùng với đó, TS. Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp cơ khí, nhất là chế tạo chúng ta cần sớm ban hành Nghị định về việc phát triển các ngành cơ khí trọng điểm để có chính sách hỗ trợ phù hợp. TP.HCM cần nghiên cứu và ban hành cơ chế khuyến khích để thúc đẩy liên kết giữa các DN trong ngành. Trong đó, đặc biệt chú trọng cơ chế khuyến khích thông qua việc hỗ trợ các dự án đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và quản lý, điều hành.
Chỉ số phát triển của ngành cơ khí TP.HCM giảm Theo thông kê từ Sở Công thương TP.HCM, sản xuất công nghiệp ngành cơ khí 3 tháng của TP.HCM ước giảm 5,4% (cùng kỳ tăng 3,5%) do giảm đơn hàng tại thị trường nội địa (sức mua giảm ít nhất 15%) và thị trường xuất khẩu (Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu). Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhiều đơn hàng giảm do thiếu linh kiện từ Trung Quốc; một số khách hàng tạm ngưng các hoạt động phát triển sản phẩm mới do lo ngại tình hình thị trường tiêu thụ giảm sút. |