Cơ khí muốn viết lại “giấc mơ” trụ cột phát triển
Chính sách cho ngành cơ khí: Phải “đi tắt đón đầu” để phát huy lợi thế người đi sau | |
Chỉ rõ những khoảng trống cho ngành Cơ khí phát triển |
Vừa qua trong phiên chất vấn trên nghị trường Quốc hội, đã có một số ý kiến lo ngại về sự phát triển èo uột của ngành cơ khí trong nước. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, Việt Nam chưa đạt mục tiêu đưa trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là do ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp cơ khí nói riêng có xuất phát điểm quá thấp so với mặt bằng chung các nước.
Hơn nữa Việt Nam đang phải đối mặt với việc hội nhập sâu rộng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng lại đi chậm hơn các nước trong khu vực từ 2 - 3 thế hệ về công nghệ. Hiện nay, chất lượng của các loại máy móc trong nước chế tạo vẫn rất hạn chế và mới đáp ứng 30% nhu cầu thị trường, trong khi áp lực cạnh tranh của máy móc đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc là rất lớn.
Mặc dù không phủ nhận sự đuối sức của ngành cơ khí trong nước, song ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) tiếc nuối cho biết, ngành cơ khí đã làm ra được một số loại động cơ và máy móc trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, song lại không có cơ hội để ứng dụng và nhân rộng.
Chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, các DN nội địa đã sản xuất được máy canh tác cỡ nhỏ, máy chế biến gạo, chế biến thực phẩm, rau quả và bảo quản… có sức cạnh tranh để thay nhập khẩu và xuất khẩu. Nếu thời gian tới có chính sách và thực hiện quyết liệt việc kiểm soát nhập khẩu máy, phương tiện đã qua sử dụng như các quốc gia khác, chắc chắn sẽ có thị trường để phát triển tốt các loại sản phẩm này.
Bên cạnh đó, ông Long chỉ ra các điểm nghẽn chính làm cho công nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam chậm phát triển, tụt hậu so với quốc tế như hiện nay. Đơn cử nhiều năm qua, Việt Nam đã đầu tư nguồn lực lớn để phát triển các dự án năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, xây dựng công trình giao thông, hệ thống thủy lợi, dịch vụ bưu chính viễn thông…
Thế nhưng ngành cơ khí nội địa lại không có được nhiều thị phần trong thị trường này vì DN luôn phải tự bơi trong cơ chế thị trường chưa hoàn thiện, phải theo cơ chế xin - cho, ít đơn hàng đầu tư công và luôn bị DN nước ngoài cạnh tranh quyết liệt.
Các DN cơ khí cũng cho rằng, Chính phủ và chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế đối với ngành này, nhưng các chính sách đó chưa thực sự đi vào cuộc sống. Chẳng hạn, cơ chế vay ODA và đấu thầu còn bất cập nên DN cơ khí nội địa thường chỉ được chủ đầu tư, nhà thầu nước ngoài xét cho nhận làm B với giá thuê rất thấp. Vì vậy, thời gian tới để ngành công nghiệp cơ khí chế tạo trở thành “xương sống” của nền kinh tế, các DN trong ngành khuyến nghị cần tạo ra dung lượng thị trường cho sản phẩm cơ khí.
Ông Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) nêu ý kiến, cần đưa ra những chính sách cụ thể, như quy định và giám sát thực hiện chặt chẽ đối với các dự án đầu tư tại Việt Nam không phân biệt nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tư nhân, FDI… nếu các phần việc chế tạo cơ khí trong nước có thể sản xuất được, thì bắt buộc phải giao DN trong nước thực hiện. Việc này phải được xem xét và phê duyệt ngay từ giai đoạn lập, quy hoạch và phê duyệt dự án đầu tư.
Ngoài ra Chính phủ cần bổ sung chính sách và biện pháp kiểm soát tối đa việc cho nhập khẩu máy, dây chuyền công nghệ sản xuất, phương tiện vận tải, hàng hóa đã qua sử dụng để bảo vệ sức mua cho thị trường nội địa như các quốc gia khác đã và đang thực hiện quyết liệt việc này để bảo vệ sản xuất nội địa.
Ông Tuấn cũng đề xuất, cần ban hành một số cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể về thuế, phí. Cụ thể là xem xét giảm thuế thu nhập DN có lộ trình đến năm 2035; giảm mức thuế suất với các lô hàng, sản phẩm xuất khẩu đến năm 2025 là 0%, từ 2025 - 2030 là 5%, sau 2030 là 10%; miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các DN cơ khí hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, xem xét miễn giảm tiền thuê đất có lộ trình đối với các cơ sở chế tạo cơ khí.