Không để ngành cơ khí “tự bơi”
Năm cản trở lớn với ngành cơ khí Việt | |
Thách thức phát triển và lời giải |
Số lượng DN cơ khí đã tăng mạnh từ 10.000 năm 2010 lên 21.000 DN năm 2016; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 16 tỷ USD.
Đẩy mạnh phát triển ngành cơ khí để hỗ trợ ngành ô tô Việt Nam |
Có nhiều DN Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; đóng tàu; máy công cụ và máy nông nghiệp... đã đáp ứng một phần nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Một số DN nội địa đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, lãnh đạo Bộ Công thương cũng thẳng thắn cho rằng, năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí còn thấp, số lượng DN còn quá ít; nhập siêu các sản phẩm cơ khí còn lớn; chưa chủ động được về nguyên vật liệu, vẫn phải phụ thuộc lớn vào nhập khẩu; liên kết giữa các DN trong ngành còn kém, và khả năng hấp thụ công nghệ các DN trong nước còn yếu.
Đồng tình với đánh giá này, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, cũng chỉ ra nhiều điểm yếu của ngành cơ khí Việt Nam. Theo ông, các sản phẩm cơ khí của Việt Nam khá đa dạng, nhưng đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh trong nước chưa đủ mạnh.
Ngay cả tại thị trường nội địa, các DN cơ khí cũng khó tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị trong các ngành như thép, hóa chất, năng lượng… do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Các DN, sản phẩm cơ khí trong nước cũng chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến.
Về trình độ khoa học công nghệ, ngành cơ khí có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký; thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành nhìn chung còn chậm đổi mới. Các DN cơ khí thiếu đầu ra cho sản phẩm nên cũng không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ.
Trong khi đó, hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực cơ khí của Việt Nam vẫn chưa phát triển đủ mạnh để ngăn chặn hàng nhập khẩu có chất lượng không đảm bảo. “Đây chính là vòng luẩn quẩn trong phát triển của ngành cơ khí Việt Nam”, ông Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Công nghiệp cho biết, hiện nguyên phụ liệu cho ngành cơ khí chủ yếu là sắt thép và các loại hợp kim màu, tuy nhiên, hầu hết trong nước chưa sản xuất được và buộc phải nhập khẩu. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có chính sách hợp lý để khuyến khích sử dụng nguyên phụ liệu trong nước, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa.
Cùng với đó, nguồn nhân lực nhìn chung còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng. Số thợ cơ khí có tay nghề cao khá ít. Lực lượng nghiên cứu triển khai, nhất là lực lượng tư vấn thiết kế cho các dự án cơ khí trình độ còn hạn chế. Trong khi đó, Hiệp hội ngành nghề cơ khí lại chưa phát huy tốt vai trò; chưa thu hút được sự tham gia của các DN cơ khí và chưa liên kết chặt chẽ được các DN thành viên với nhau.
Ông Nguyễn Văn Thụ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cho biết, trong 30 năm gần đây, ngành cơ khí Việt Nam đang ngày càng tụt hậu, không đủ sức cạnh tranh giữ thị trường nội địa và mở rộng được xuất khẩu. Đáng chú ý, sản phẩm cơ khí chủ yếu là hàng gia công, có giá trị kinh tế thấp, chưa hình thành một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí... Bên cạnh đó, vẫn chưa có các cơ sở công nghiệp có thiết bị tiên tiến đủ khả năng thiết kế, chế tạo máy, thiết bị công nghệ cao đủ sức cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế.
Chuyên gia này cũng chỉ rõ, sự liên kết và tập hợp lực lượng của các DN trong nước còn rất hạn chế. Ông Thụ cũng cho biết, trên thế giới, các tập đoàn lớn thường sáp nhập với nhau để cùng tồn tại và phát triển, hợp tác chuyên sâu, mang lại hiệu quả đầu tư và phúc lợi cho nhà nước, nhưng ở Việt Nam chưa làm được điều này. Chính đây là nguyên nhân cản trở sự phát triển của ngành cơ khí Việt Nam.
"Ngành cơ khí Việt Nam có điểm yếu là thường làm "trọn gói" tất cả các công đoạn, nên đầu tư bị dàn trải, sản phẩm rất khó có khả năng cạnh tranh, trình độ kỹ thuật vẫn chỉ được xếp dưới mức trung bình...," ông Thụ cho biết thêm.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam phát triển trong thời gian tới, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, cần tạo dựng thị trường, xử lý tình trạng gian lận thương mại cũng như việc nhập khẩu tràn lan thiết bị đã qua sử dụng; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất và khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cơ khí trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
Cùng với đó là đẩy nhanh kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thế giới và chú trọng đến các công nghệ mới của CMCN 4.0, vì đây sẽ là cơ hội rất lớn để các DN Việt Nam thay đổi đột phá về mặt công nghệ, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thạo, Hội đồng lý luận Trung ương, nếu để các DN trong ngành "tự bơi" sẽ rất khó khăn, bởi lẽ đây là ngành đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao và rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ.
Về phần mình, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương sẽ đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp cơ khí, phối hợp với cộng đồng DN, các hiệp hội ngành nghề để điều chỉnh danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm và đơn giản hoá thủ tục xác nhận cho phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó, Bộ cũng sẽ đề xuất việc hình thành và phát huy vai trò của Trung tâm hỗ trợ công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho DN đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp, khuyến khích và ưu đãi các DN áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 vào sản xuất.
Ngoài ra, bộ cũng sẽ phối hợp với cộng đồng DN kiến nghị những điều chỉnh về chính sách thuế nhằm tạo bình đẳng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất của các DN cơ khí trong nước, như về thuế giá trị gia tăng đối với phần giá trị sản xuất trong nước của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; thuế nhập khẩu phụ tùng linh kiện máy nông nghiệp... cũng như hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành cơ khí.