Co-opBank hướng tới ngân hàng đa năng, hiện đại
Nâng cao năng lực cho Co-opBank thông qua chính sách Co-opBank: Những dấu son và cơ hội mới |
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam trao Bằng khen của NHNN cho cá nhân đồng chí Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐQT Co-opBank và đại diện Ban điều hành Co-opBank, tháng 1/2024 |
Cùng với những thách thức từ cuộc CMCN 4.0, sự phát triển của Co-opBank không chỉ hòa nhập vào sự phát triển chung của ngành Ngân hàng mà hơn thế, còn phải là chỗ dựa cho các QTDND tái cơ cấu ổn định, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực, góp phần hỗ trợ kinh tế hộ, đặc biệt khu vực nông nghiệp nông thôn.
Hướng tới một ngân hàng hiện đại
Để có thể thực hiện trọng trách vai trò là ngân hàng của các QTDND, ngay từ khi chuyển đổi mô hình, Co-opBank đã xây dựng và triển khai liên tiếp các Đề án tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, Đề án cơ cấu lại Co-opBank các giai đoạn, Đề án tái cơ cấu hệ thống QTDND... Tất cả tập trung vào giải quyết 3 nhóm nhiệm vụ trọng yếu là: Nâng cao năng lực tài chính, tăng trưởng tích cực, an toàn, bền vững; Hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển ổn định an toàn thúc đẩy hoạt động kinh doanh; Tạo bước đột phá trong hiện đại hóa, hướng đến vai trò là đầu mối hỗ trợ chuyển đổi số của hệ thống QTDND. Cùng với đó, Co-opBank đã tham mưu cùng NHNN Việt Nam hoàn thiện hành lang pháp lý cho hệ thống QTDND cũng như chính Co-opBank.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đã nâng cao năng lực thông qua việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của NHNN về việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Năm 2023, để triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Thống đốc NHNN về việc triển khai “Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, Co-opBank một lần nữa tập trung nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện và trình NHNN “Phương án cơ cấu lại Co-opBank gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Qua đó, ngân hàng đã tập trung nguồn lực khẩn trương cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy tổ chức thông qua các đợt điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, thích ứng với sự phát triển của QTDND; đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thay đổi mạnh mẽ về quản trị rủi ro, cạnh tranh công nghệ, nguồn nhân lực và những yêu cầu đặc thù của ngành.
Ngoài việc nỗ lực nâng cao năng lực tài chính bằng nội lực, năm 2023 Co-opBank đã tích cực đề xuất và hoàn thiện phương án xin cấp bổ sung vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng, trình Thống đốc NHNN xem xét trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt.
Co-opBank hiện cũng đã hoàn thiện chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến 2030, tạo tiền đề vững chắc cho việc triển khai các hoạt động, chức trách nhiệm vụ của ngân hàng trong giai đoạn tới.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Ban lãnh đạo Co-opBank, tháng 1/2024 |
Tập trung nguồn lực hỗ trợ hệ thống QTDND
Trong vai trò Ngân hàng của các QTDND, Co-opBank đã đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin, đầu tư hệ thống CoreBanking mới. Đồng thời kết nối với các tổ chức, định chế tài chính trong nước và quốc tế, tận dụng cả về nguồn lực và kỹ thuật để đẩy nhanh tiến trình số hóa, phát triển sản phẩm dịch vụ của Co-opBank, làm tiền đề hỗ trợ QTDND. Giải thưởng của Hội đồng Quỹ tín dụng thế giới (WOCCU) về triển khai các giải pháp số thúc đẩy tài chính toàn diện, “Hệ sinh thái Kỹ thuật số” là một minh chứng cho sự chuyển mình của Co-opBank.
Những năm qua, hoạt động thanh toán điện tử được duy trì và phát triển cả chiều sâu và chiều rộng, vừa tập trung củng cố và hoàn thiện nền tảng cơ sở vật chất, kỹ thuật, vừa mở rộng mạng lưới thanh toán theo chủ trương của Chính phủ và NHNN về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay tổng số điểm giao dịch CF-eBank của Co-opBank đã lên đến 997 điểm, bao gồm 32 Chi nhánh, 66 Phòng giao dịch và 899 QTDND. Cùng với đó, Co-opBank tiếp tục đầu tư, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng ứng dụng công nghệ hiện đại, phục vụ công tác chuyển đổi số giúp gia tăng tiện ích trên hệ thống chuyển tiền điện tử CF-ebank, đáp ứng nhu cầu và nâng cao vị thế cạnh tranh của các QTDND thành viên cũng như thu hút thêm các QTDND mới tham gia mạng lưới chuyển tiền.
Tính đến 30/6/2024, Co-opBank đã phát hành được 50.080 thẻ chip Co-opBank Napas, qua đó đã giúp các thành viên QTDND và người dân bắt kịp xu hướng mới trong thời đại số hóa phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Ứng dụng Ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking đã dần lan tỏa và thu hút thành viên của QTDND và khách hàng, đến nay đã có mặt ở khắp các tỉnh thành. Ứng dụng có nhiều tính năng tiện ích như: chuyển tiền nội bộ, chuyển tiền nhanh 24/7, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn, đặt vé máy bay, đặt vé tàu/xe, đặt vé xem phim, thanh toán QR, VNPAY taxi…; đồng thời cũng đã tích hợp thêm dịch vụ nâng cao như chuyển tiền nhanh bằng mã VietQR, gửi tiết kiệm trực tuyến, rút gốc một phần, trả nợ vay, chuyển tiền theo lô, chuyển tiền định kỳ, đặt và quản lý Alias, đăng ký thanh toán hóa đơn tự động, chia sẻ OTT biến động số dư… đã được đông đảo thành viên của QTDND và khách hàng đón nhận.
Đặc biệt, trong bối cảnh các QTDND dần chủ động được nguồn vốn cho vay, Co-opBank vẫn phát huy được vai trò của mình trong việc hỗ trợ các QTDND bằng việc triển khai các sản phẩm cho vay hợp vốn để cho vay thành viên của QTDND khi bị giới hạn hạn mức cho vay. Còn đối với các QTDND ở những địa bàn khó khăn khi cần tăng mức cho vay để mở rộng, vốn điều hòa của Co-opBank luôn là một trong những nguồn lực quan trọng để QTDND tăng cường hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh tế cho các thành viên.
Khách hàng giao dịch tại Co-opBank |
Song song với đó, Co-opBank đã tích cực thực hiện chức trách nhiệm vụ NHNN giao thông qua việc kiểm tra giám sát, giám sát trực tiếp hoạt động của các QTDND theo yêu cầu hàng năm. Co-opBank cũng đã tích cực phối hợp với chi nhánh NHNN tỉnh/thành phố trong việc hỗ trợ các QTDND được cơ cấu lại. Đặc biệt đối với các QTDND gặp khó khăn trong hoạt động, một mặt Co-opBank cho vay hỗ trợ khả năng chi trả kịp thời, mặt khác tham mưu, phối hợp với Chi nhánh NHNN tỉnh/thành phố và chính quyền địa phương có những biện pháp giúp đỡ. Co-opBank cũng đã cử nhiều cán bộ là các Phó Giám đốc, Trưởng phó phòng Chi nhánh đến đảm nhiệm các chức vụ Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Kế toán trưởng tại các QTDND có khó khăn được cơ cấu lại; tham gia kiểm soát đặc biệt theo yêu cầu của NHNN tại các QTDND trên địa bàn…
Co-opBank cũng đã triển khai thực hiện Thông tư 03/2014/TT-NHNN về Quỹ đảm bảo an toàn hệ thống QTDND, tạo ra cơ chế tài chính nhằm hỗ trợ cho các QTDND khi hoạt động gặp khó khăn về tài chính, chi trả. Nhờ có sự hỗ trợ, đáp ứng khẩn trương và kịp thời về vốn của Co-opBank mà các QTDND này sớm ổn định tình hình hoạt động, góp phần thúc đẩy hệ thống QTDND phát triển ổn định, an toàn.
Tiếp nối những thành công trong 29 năm xây dựng và phát triển, những bài học kinh nghiệm của ngày hôm qua đang trở thành điểm tựa của hôm nay và niềm tin vào ngày mai để Co-opBank tiếp tục sứ mệnh và trọng trách mà Chính phủ và NHNN giao phó là "Ngân hàng của các QTDND".