Cổ phiếu khu công nghiệp: Điểm sáng hiếm hoi
Các hoạt động kinh tế dần trở lại từ tháng 10 tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Ngân hàng HSBC nhận định, Việt Nam vẫn là điểm đến tăng trưởng hấp dẫn, đầu tư tốt nhất trong khu vực. Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam có tính thanh khoản cao nhất trong ASEAN, sau Thái Lan.
Trước viễn cảnh đó, các cổ phiếu khu công nghiệp (KCN) dự kiến sẽ là điểm sáng hiếm hoi trong năm nay. Điển hình như: Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) hưởng lợi từ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn vào Việt Nam và làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc dựa vào kinh nghiệm hợp tác với các đối tác lớn như: Samsung, LG, Heesung Electronics...
KBC đang quản lý một diện tích bất động sản KCN lớn, hơn 4.713 ha, tập trung chủ yếu ở miền Bắc với nhiều KCN có lợi thế cạnh tranh thu hút được đối tác nước ngoài như: KCN Quế Võ (Bắc Ninh), KCN Tràng Duệ (Hải Phòng). Ngoài ra công ty cũng có những KCN lớn ở TP.HCM như Tân Phú Trung một trong những KCN lớn có tỷ lệ lấp đầy cao nhất khu vực miền Nam. Ngoài ra, những đại dự án mới có thể bổ sung nguồn thu lớn như KCN Tràng Duệ III (687 ha) nhận phê duyệt quan trọng sau 3,5 năm và dự án khu đô thị Tràng Cát gần như hoàn tất việc đền bù, nộp tiền sử dụng đất và được chính quyền TP.Hải Phòng bàn giao hiện trạng đất trên thực địa cho công ty để làm các thủ tục triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án để đưa vào vận hành khai thác kinh doanh, những dự án mới dự kiến sẽ đem lại nguồn thu khả quan cho KBC trong 10 năm tới.
Cổ phiếu GVR của Tập đoàn cao su Việt Nam cũng là một mã đáng chú ý trong thời gian tới. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán MBS, với việc sở hữu quỹ đất lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích hơn 491.000 ha, trong đó có 342.000 ha diện tích trong nước và hơn 149.000 ha ở Lào và Campuchia, GVR được kỳ vọng sẽ chuyển đổi hết phần lớn quỹ đất trong nước trong hơn 40 năm và trở thành công ty phát triển bất động sản KCN lớn nhất cả nước.
Theo giới làm dự án, hiện kinh doanh KCN là mảng có biên lợi nhuận gộp cao nhất trong các mảng của GVR nhờ vào lợi thế quỹ đất có sẵn, giảm được chi phí giá vốn. “Chúng tôi kỳ vọng, lợi thế này sẽ tiếp tục được duy trì, khi mà các nhà phát triển KCN khác đang khá chật vật với tình hình giá đất tăng”, Công ty Chứng khoán MBS nhận định. Để gia tăng biên độ lợi nhuận và sức hấp dẫn cho các dự án, hiện tại các nhà phát triển KCN thường ưa chuộng xu thế gắn kết các khu dân cư đô thị vào các lô đất công nghiệp theo mô hình KCN - đô thị tích hợp có quy mô lớn. Tiêu biểu như: Tổng công ty Becamex (BCM) phát triển KCN đô thị dịch vụ VSIP Bình Định có quy mô 2.308 ha, VSIP Bình Thuận (5.000 ha), KCN - Đô thị - Dịch vụ Becamex - Bình Phước (4.600 ha).
Theo Savills Việt Nam, mặc dù thị trường bất động sản vẫn có những trầm lắng, song sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản công nghiệp vẫn rất lớn ở thời điểm hiện tại và Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng của thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Thời gian trước, Việt Nam thường tập trung thu hút các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng giá trị thấp như dệt may hoặc đồ nội thất. Tuy nhiên với các định hướng mới của Chính phủ, thị trường đang tập trung nhiều hơn vào việc thu hút các doanh nghiệp sản xuất giá trị cao hoặc các loại hình bất động sản công nghiệp mới, bao gồm các ngành sản xuất thiết bị công nghệ cao, các cơ sở nghiên cứu, trung tâm dữ liệu hay kho lạnh công nghiệp. Mặt khác, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) được xem là một trong những hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất mà Việt Nam có được, hứa hẹn sẽ đem lại những lợi ích lâu dài tới thị trường tại đây.