Có vốn ưu đãi, vườn cây ăn trái thêm hiệu quả
Đến hết tháng 6, tổng dư nợ cho vay ưu đãi đạt 198.505 tỷ đồng | |
Người Tổ trưởng trên đỉnh Ngọc Linh | |
Về xã không có nợ quá hạn |
Khi vốn ưu đãi phát huy hiệu quả
Bạt ngàn những vườn na, vườn bưởi xen lẫn cam Canh, ổi khi chúng tôi vào khu Tân Tiến, phường Hoàng Tiến, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương để tìm nhà anh Nguyễn Tuấn Anh và bà Đặng Thị Anh – một trong những chủ vườn cây ăn quả lớn nhất phường.
Qua con đường nhiều dốc và đầy bùn đất bởi trận mưa rào đêm trước, chúng tôi cũng đến nơi. Ấn tượng đầu tiên là một cơ ngơi bề thế, xe ô tô có thể vào tận sân để chở hàng. “Tất cả đều nhờ vào trồng cây ăn trái cả đấy các anh ạ”, anh Tuấn Anh chia sẻ với chúng tôi.
Cán bộ NHCSXH TP. Chí Linh giao dịch tại xã |
Cũng như bao người khác, gia đình anh Tuấn Anh khởi nghiệp rất chật vật khi chăn nuôi lợn không hiệu quả, do giá cám đắt đỏ trong khi giá lợn thịt tăng giảm thất thường. Sau nhiều ngày suy nghĩ rằng vùng đất này có thổ nhưỡng khí hậu phù hợp với trồng cây ăn trái, Tuấn Anh bàn với vợ thuê đất để làm vườn. Lúc đầu trồng diện tích nhỏ, sau thấy hiệu quả, vợ chồng anh mở rộng thêm quy mô, thu nhập cũng tăng dần. Nếu như năm 2007, thu lãi từ trồng na và một số cây ăn quả chỉ tầm 70 triệu đồng, thì nay đã tăng gấp vài ba lần.
Từ đề xuất của các hội đoàn thể, chính quyền địa phương và xét thấy mô hình trồng cây ăn quả của vợ chồng ông Nguyễn Tuấn Anh và bà Đặng Thị Anh không những có hiệu quả, mà còn tạo việc làm cho gần chục lao động, NHCSXH TP. Chí Linh đã cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi để giúp phần nào trong việc mua phân bón, chi phí chăm sóc cây.
Mô hình trồng na của gia đình ông Nguyễn Tuấn Anh mang lại giá trị kinh tế cao |
“Nguồn vốn này có ý nghĩa lớn, động viên chúng tôi mở rộng thêm diện tích trồng trọt, tăng thu nhập và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương” – bà Đặng Thị Anh nói và cũng đề xuất Nhà nước cần tăng thêm nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm để hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh, trồng cây ăn quả.
Với 3,5 ha cây ăn quả bao gồm na, bưởi Diễn, cam Canh, chuối, năm 2019 này gia đình ông Nguyễn Tuấn Anh sẽ thu lãi khoảng 300 - 350 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TTK&VV) khu dân cư Tân Tiến, hiện nay phong trào trồng cây ăn quả ở khu rất phát triển và nhiều hộ được vay vốn NHCSXH. Với 19 tổ viên trong khu dân cư, dư nợ của cả tổ đã đạt 800 triệu đồng. “Bà con chủ yếu vay vốn trồng cây ăn quả, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh, chăn nuôi nhỏ lẻ. Bình quân mỗi hộ trong tổ vay vốn cũng có khoảng 2 hec ta cây ăn quả”, ông Chiến chia sẻ.
Tăng cường phối hợp, hỗ trợ người dân vay vốn
Ông Nguyễn Phúc Thịnh – Phó Chủ tịch UBND TP. Chí Linh cho biết, công tác an sinh xã hội của TP. luôn được quan tâm, không chỉ thể hiện qua việc chăm lo, tặng quà, làm nhà cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo. Đó còn là sự chỉ đạo tích cực trong việc cho vay vốn tín dụng ưu đãi để giúp người dân tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Đến nay, toàn thành phố có 246 (TTK&VV). Việc củng cố và nâng cao chất lượng của các tổ và nâng cao vai trò của tổ trưởng đã giúp cho chất lượng tín dụng ưu đãi thêm hiệu quả. Tổ trưởng hiểu được rõ hoàn cảnh của hộ vay vốn, kiểm soát được việc sử dụng vốn vay.
Cán bộ NHCSXH tăng cường trao đổi về các chính sách tín dụng ưu đãi, công tác thu nợ, thu lãi với các tổ trưởng TTK&VV |
Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng cho rằng, Chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH tại địa phương đã giúp cho việc xét duyệt đối tượng vay vốn được chính xác hơn, kịp thời hơn và sát hơn, giúp đồng vốn vay có hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Văn Du – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH TP. Chí Linh cho biết, tính đến hết tháng 6/2019, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt trên 275 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay tập trung chủ yếu vào các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Có được những kết quả tích cực, thời gian qua, Phòng giao dịch đã đẩy mạnh thực hiện chương trình tuyên truyền về nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa; trực tiếp tuyên truyền quy định về thực hiện tín dụng chính sách giúp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tín dụng đen, cũng như tuyên truyền những chủ trương mới tới các tổ chức chính trị xã hội, TTK&VV và đặc biệt là trực tiếp tới hộ vay tại điểm giao dịch.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi trên địa bàn, ông Du cho biết, trong thời gian tới, NHCSXH TP. Chí Linh sẽ tăng cường triển khai Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, chú trọng tham mưu cho Thành ủy, UBND TP. trong quý 3 bổ sung nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, rà soát, tổng hợp và trình điều chỉnh kế hoạch dư nợ các chương trình; trình Chi nhánh tỉnh bổ sung tăng nguồn chương trình hộ mới thoát nghèo và giải quyết việc làm, giải ngân nhanh các loại nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân.