CSR thúc đẩy kinh doanh của doanh nghiệp
Hội nghị Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) trong kỷ nguyên số vừa được tổ chức tuần qua tại TP.HCM, với khoảng 250 người tham dự.
Các vấn đề như CSR trong chiến lược kinh doanh, tiếp thị của doanh nghiệp và vai trò của giám đốc điều hành (CEO), giám đốc tiếp thị (CMO) trong việc thực thi và quản trị hiệu quả chiến lược này… một lần nữa thu hút sự quan tâm đặc biệt, nhất là trong bối cảnh phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đang dần trở thành mục tiêu tiến tới của nhiều quốc gia trên thế giới.
Biti’s đã tìm được nhiều khách hàng lớn bởi việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội là phương thức quảng cáo tốt nhất với các đối tác |
Chia sẻ tại Hội nghị, nhiều diễn giả đồng tình rằng giờ đây, CSR không còn xa lạ với các doanh nghiệp xếp vào hàng thịnh vượng ở Việt Nam. Từ năm 2005, các doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng “Giải thưởng trách nhiệm doanh nghiệp” thường niên do một số bộ, ngành tổ chức.
Tính đến nay, cả nước đã có trên 60 doanh nghiệp da giày và dệt may được nhận giải thưởng này vì đã áp dụng những sáng kiến về trách nhiệm xã hội, đem lại quyền lợi tốt hơn cho người lao động, cộng đồng, xã hội và môi truờng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã biết vận dụng nó vào phát triển bền vững trong kinh doanh như Nestle, Coca Cola, Bitis…
Công ty giày Bình Tiên (Biti’s) cách đây gần 20 năm đã bắt đầu nhận được yêu cầu từ các khách hàng lớn ở châu Âu và châu Mỹ, đòi kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm xã hội tại doanh nghiệp. Nguyên Giám đốc xuất khẩu của công ty, ông Nguyễn Văn Toàn, cho biết yêu cầu mới này đã đem lại rất nhiều lợi ích cho công ty.
Theo ông Toàn, sau những khó chịu ban đầu vì khách hàng đòi xem bảng lương, phỏng vấn công nhân, kiểm tra bếp ăn tập thể, lãnh đạo công ty đã nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện các yêu cầu này. Biti’s đã tìm được nhiều khách hàng lớn bởi “việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội là phương thức quảng cáo tốt nhất với các đối tác,” ông Toàn cho hay.
Các doanh nghiệp nước ngoài đương nhiên có sự quan tâm đặc biệt đến CSR. Đối với Nestlé, tăng trưởng bền vững là ưu tiên hàng đầu. Dự án phát triển cà phê bền vững - NESCAFÉ Plan - được triển khai tại Việt Nam từ năm 2011, cho tới nay đã góp phần cải tạo 20.000 ha diện tích cà phê già cỗi.
Với dự án này, Nestlé đã tích cực nâng cao đời sống của nông dân trồng cà phê của Việt Nam, góp phần tăng thu nhập tới trên 30% cho họ, thông qua các hoat động tập huấn và đào tạo cho hơn 200.000 hộ nông dân, cung cấp hơn 20 triệu cây giống kháng bệnh cho năng suất cao, giúp cho 21.000 nông hộ đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C, nâng cao vai trò và vị thế của nữ nông dân tham gia dự án.
Trong vòng 22 năm qua, tổng vốn đầu tư của công ty vào thị trường Việt Nam đã tăng liên tục từ 21 triệu USD trong năm 1995 lên 520 triệu USD hiện nay. Đối với Nestlé, việc tối đa hóa lợi nhuận và tăng trưởng nóng trong thời gian ngắn không phải là điều mà công ty nhắm đến, mà chính là sự tăng trưởng bền vững trong thời gian dài.
Với Coca-Cola, câu chuyện về chiến lược phát triển bền vững gắn liền với môi trường được viết từ những năm đầu thành lập và đẩy mạnh thêm khi tập đoàn này cam kết tăng vốn thêm 300 triệu USD vào Việt Nam. Với nguồn tiền này, Coca-Cola đã đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng và hệ thống dây chuyền sản xuất mới cho ba nhà máy tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
“Những dây chuyền này không chỉ tân tiến mà còn thân thiện môi trường nhất, giúp chúng tôi tiết kiệm 10% lượng tiêu thụ điện, 15% lượng hơi nước và 20% lượng nước tiêu thụ”, ông Irial Finan, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Coca-Cola từng chia sẻ.
Hay khi áp dụng công nghệ Màng lọc sinh học mới MBR (Membrane Bio Reactor), Coca-Cola Việt Nam tính toán cho việc tăng hiệu quả xử lý và nâng cao chất lượng nước thải khi trả chúng về tự nhiên. Thậm chí, nguồn nước này đang được tái sử dụng để tưới tiêu, trồng cây, nuôi cá… tại các nhà máy.
Khi triển khai các dự án với công nghệ được cải tiến, Coca-Cola Việt Nam hướng đến việc giảm lượng nước ngầm khai thác hàng năm cho sản xuất. Các cải tiến này giúp cả ba nhà máy tiết kiệm từ 3-5% lương nước sử dụng. Riêng tại nhà máy Thủ Đức, TP.HCM, lượng nước cần để sản xuất ra một lít nước giải khát đã giảm 6%, đáng kể đối với doanh nghiệp kinh doanh 100% sản phẩm có nước là thành phần chủ yếu…
Khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội tiến hành trên 24 doanh nghiệp thuộc hai ngành có sử dụng nhiều lao động là dệt may và da giầy cho thấy, nhờ thực hiện các chương trình CSR, doanh thu của các doanh nghiệp này đã tăng 25%/năm, năng suất lao động và tỷ lệ hàng xuất khẩu cũng tăng đáng kể.
Ngoài hiệu quả kinh tế trực tiếp, doanh nghiệp còn hưởng lợi từ việc tạo dựng được hình ảnh với khách hàng, có được sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút được lao động có chuyên môn cao - những mấu chốt của sự thành công lâu dài.
Tuy vậy, CSR hiện mới chỉ được triển khai áp dụng chủ yếu ở các doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật.
Theo TS. Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học và Lao động Xã hội, cần phải xây dựng một lộ trình rõ ràng về thực hiện CSR cho các doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với sự phát triển nền kinh tế và quá trình hội nhập.
Giám đốc phát triển dự án của Công ty tư vấn Global Standards, ông Carey Zesiger cho rằng sức cạnh tranh của Việt Nam trong một số ngành công nghiệp trọng điểm sẽ được nâng lên rất nhiều nếu thực hiện nghiêm túc các vấn đề liên quan đến CSR.