Cụ thể hóa các chương trình cho vay dự án xanh
Hành động nhanh và quyết liệt để hướng tới tăng trưởng xanh | |
Thương mại và đầu tư bền vững: Chìa khóa cho tương lai xanh tại châu Á và Thái Bình Dương | |
Phát triển bền vững cho tất cả mọi người |
Giữa tháng 2/2023, BIDV đã chính thức ban hành “Khung khoản vay bền vững” được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế với sự tư vấn của tổ chức Carbon Trust. Theo đó, Khung khoản vay bền vững này được thiết kế dựa trên các nguyên tắc do Hiệp hội Thị trường vay (LMA), Hiệp hội Kinh doanh vốn - cho vay hợp vốn (LSTA) và Hiệp hội Thị trường vay châu Á - Thái Bình Dương (APLMA) đồng ban hành. Trong đó, bao gồm các nguyên tắc áp dụng riêng cho các dự án có tác động tích cực tới môi trường và xã hội, bao gồm các dự án xanh, các doanh nghiệp xã hội và các dự án liên kết phát triển bền vững.
Ảnh minh họa |
Cùng với việc ban hành Khung khoản vay bền vững, lãnh đạo BIDV cho biết, thời gian qua ngân hàng này đã ký bản ghi nhớ hợp tác về thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây là một trong những hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) nhằm đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Thực tế, không phải chỉ có ngân hàng này, những năm gần đây, hệ thống NHTM tại Việt Nam đã bắt đầu quan tâm nhiều đến việc đầu tư các khoản tín dụng xanh, tín dụng dành cho các dự án phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Ghi nhận trên thị trường, hiện nay hàng chục ngân hàng, như: VPBank, SHB, SeABank, HDBank, NamABank, MB… đã bắt đầu xây dựng và hoàn thiện các khung tín dụng dành riêng cho các dự án xanh, các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện các NHTM này đang tích cực triển khai cho vay dự án xanh, dự án phát triển bền vững theo các gói tín dụng vay hợp vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế hoặc triển khai chương trình ưu đãi lãi suất để phát triển tín dụng xanh.
Chẳng hạn, tại VPBank, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức LMA và LSTA, ngân hàng này đã ban hành “Khung tín dụng xanh” áp dụng cho các khoản vay đối với doanh nghiệp đầu tư cho các kế hoạch, dự án thân thiện với môi trường, bao gồm các lĩnh vực: năng lượng tái tạo, sản xuất điện hiệu quả và giảm phát thải carbon, sử dụng năng lượng và nguồn nước hiệu quả, tòa nhà có chứng chỉ xanh, các dự án nông nghiệp sử dụng đất bền vững…
Thời gian qua, SHB cũng là ngân hàng tham gia tích cực vào Dự án Phát triển năng lượng tái tạo (REDP) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với tổng nguồn vốn 318,05 triệu USD nhắm vào phát triển các dự án xanh lĩnh vực năng lượng tái tạo. Phía SHB đã sử dụng các khung khoản vay xanh tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ lãi suất, bồi hoàn chi phí cho các dự án, doanh nghiệp vay vốn và đang tích cực hoàn thiện khung tín dụng xanh cho ngân hàng mình để hướng dẫn các chi nhánh triển khai.
Thực tế, việc mở rộng các khoản vay xanh đang tạo cơ hội khá tích cực cho các NHTM trong việc huy động vốn quốc tế. Đơn cử trong năm 2022 hàng loạt ngân hàng như VPBank, SeABank, VIB đều đã nhận được các khoản vay hợp vốn giá trị lớn (hàng chục nghìn tỷ đồng) để phát triển các tệp khách hàng thuộc nhóm tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính như ADB, IFC, JICA, DFC…
Theo TS. Nguyễn Thị Hòa - Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng thuộc NHNN, hiện nay, Việt Nam đang được xếp vào nhóm thứ hai trong nhóm các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững. Nhiều TCTD hiện nay đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội; đồng thời tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định, xây dựng các sản phẩm tín dụng xanh.
Quan điểm về kinh doanh của các nhà đầu tư đa quốc gia hiện nay đã có sự chuyển dịch theo hướng lấy xã hội (quy mô toàn cầu) làm trung tâm, hoạt động lựa chọn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các chính sách ưu đãi đầu tư cũng đã tính toán nhiều hơn đến các yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, động thái chuyển dịch, đầu tư nhiều hơn cho mảng tín dụng xanh của các NHTM chính là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Xu hướng này sẽ góp phần thúc đẩy khách hàng vay chuyển đổi dần sang sản xuất xanh, triển khai các dự án thân thiện với môi trường để được thụ hưởng nhiều hơn các chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, bản thân các NHTM cũng sẽ hoàn thiện dần các khung tín dụng xanh để quản trị nguồn vốn vay, quản trị rủi ro khách hàng theo những tiêu chí phát triển bền vững.