Cuộc đua CASA ngày càng gay cấn
CASA tiếp tục phục hồi Nguồn tiền rẻ dần phục hồi |
Trong khi đó, Vietcombank vẫn giữ vững vị trí thứ 3 với tỷ lệ CASA đạt 34,2%. Chỉ số này tại Vietcombank tăng nhẹ 0,3 điểm phần trăm so với mức 33,9% vào cuối năm ngoái. Tương tự, MSB vẫn giữ vị trí thứ 4 trong top các ngân hàng có chỉ số CASA cao nhất, đạt 26,2% dù giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với cuối năm 2023. VietinBank đã có sự cải thiện vị trí khi vượt ACB xếp thứ 5 với tỷ lệ CASA đạt 22,5%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cuối năm 2023. Góp mặt trong top 10 CASA 6 tháng đầu năm 2024 còn có ACB, TPBank, Sacombank, BIDV, VPBank.
Dù không lọt top 10 nhưng SeaBank có sự tăng trưởng vượt bậc khi kết thúc 6 tháng đầu năm với số dư CASA tăng mạnh lên 20.038 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 13,4%. Với bối cảnh năm 2024, nền kinh tế còn gặp khó khăn, doanh nghiệp vẫn cần mặt bằng lãi suất thấp, thì lợi thế tỷ lệ CASA cao sẽ giúp ngân hàng tiết kiệm đáng kể chi phí đầu vào, có điều kiện tốt để đưa ra mức lãi suất cho vay hợp lý cho khách hàng mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh trong tương lai.
Nhất là trong bối cảnh lãi suất huy động đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây thì tỷ lệ CASA là một trong những yếu tố quan trọng cho tăng trưởng về hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Bởi thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn chỉ ở quanh mức 0,2%/năm, thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn. Do đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng càng cao sẽ giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ NIM, có thêm điều kiện cạnh tranh lãi suất cho vay trên thị trường.
Những ngân hàng có CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tốt, chất lượng tín dụng và quản trị rủi ro tốt sẽ giữ được nền lãi vay tốt, ngược lại những ngân hàng nào có nợ xấu lớn, CASA nhỏ sẽ có nguy cơ tăng lãi suất cho vay, cũng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của chính mình. Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát cũng thừa nhận, ngân hàng nào có lượng CASA lớn cũng có lợi thế hơn, giúp điều hòa được chi phí vốn.
Do đó, các chuyên gia dự báo cuộc đua hút CASA trong thời gian tới ngày càng gay gắt hơn và không hề dễ dàng cho bất cứ một ngân hàng nào. Chẳng hạn như Techcombank, sau nhiều năm dẫn đầu, hiện ngân hàng này đã lùi xuống vị trí thứ 2 nhường chỗ cho MB.
Chia sẻ với báo giới mới đây, CEO Techcombank, ông Jens Lottner cho biết, lý do CASA ngân hàng bị giảm là vì nhóm khách hàng khá giả (affluent) đang chuyển tiền nhàn rỗi sang đầu tư vào nhiều lớp tài sản khác nhau như bất động sản, trái phiếu. Do tỷ trọng nhóm khách hàng này lớn, CASA của Techcombank có thể biến động nhiều hơn so với các ngân hàng khác.
Lãnh đạo Techcombank nhìn nhận đây không phải là yếu tố mà bản thân ngân hàng có thể kiểm soát. Theo đó, ngân hàng cần tập trung vào những yếu tố khác nếu muốn nâng CASA như tài khoản thanh toán của doanh nghiệp hay tính năng auto earning (tự động sinh lời), phần thưởng…
“Chúng tôi sẽ chi nhiều hơn cho marketing, chương trình thưởng, thẻ tín dụng hoàn tiền trong nửa cuối năm. Tôi tự tin rằng tỷ lệ CASA của Techcombank sẽ vượt mốc 40%”, ông Lottner chia sẻ thêm về chiến lược tăng tỷ lệ CASA trong thời gian tới.
Đại diện MSB thì cho biết, tỷ trọng CASA đến từ 2 tệp khách hàng chiến lược của MSB là cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ nay đến cuối năm, ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu thúc đẩy tỷ lệ CASA, thông qua những tiện ích hấp dẫn hơn cho sản phẩm - dịch vụ, hướng tới mục tiêu chung về tỷ lệ CASA giai đoạn 2023-2027 trong khoảng 35-40%.
Lãnh đạo VPBank cũng tự tin với lợi thế từ hoạt động số hóa, tiên phong trong các giải pháp thanh toán và gia tăng số lượng người dùng trên các nền tảng số, cùng với chiến lược phủ phân khúc toàn diện, cá thể hóa cho từng nhóm chân dung khách hàng giúp ngân hàng tạo ra được sự bứt phá trong thu hút CASA.
“Với nền tảng công nghệ nổi bật và tệp khách hàng “khủng”, VPBank sẽ được đà tiến tới phát huy năng lực tăng trưởng CASA mạnh mẽ trong năm 2024”, đại diện VPBank bày tỏ.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng CASA, để hút được nguồn lực này như kỳ vọng, các ngân hàng cần có những cách làm mới, sáng tạo hơn. Đơn cử, ngân hàng phải tạo ra hệ sinh thái giao dịch trực tuyến hoàn thiện, chẳng hạn như phải đầu tư mạnh vào công nghệ để số hóa các dịch vụ từ thanh toán đến cho vay, kết nối với ví điện tử, công ty tài chính, bảo hiểm. Kèm theo đó, ngân hàng phải có thêm các ưu đãi phí, hoàn tiền… Có như vậy mới khuyến khích người dân để tiền trong tài khoản thanh toán, qua đó giúp tăng CASA.
Bên cạnh đó, NHTM cần gia tăng sự thuận lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng. Bởi khi NHTM “lấy lòng” được khách hàng bằng dịch vụ, sản phẩm thì tự khắc giữ được chân khách hàng ở lại với ngân hàng lâu hơn. Đặc biệt, với những ngân hàng có quy mô nhỏ, khó chạy đua tăng trưởng CASA cao như các ngân hàng lớn thì việc quan tâm tới chất lượng phục vụ khách hàng cũng sẽ là lợi thế cạnh tranh.