Nguồn tiền rẻ dần phục hồi
Lãi suất thấp, nguồn tiền 'rẻ' đổ vào mua găm nhà Kinh tế hồi phục, CASA cũng sẽ cải thiện CASA tiếp tục phục hồi |
Nhìn vào kết quả kinh doanh quý I/2024 các ngân hàng công bố, có thể thấy Techcombank tiếp tục duy trì danh hiệu quán quân về CASA với tỷ lệ 40,5%, tăng 0,6% so với cuối năm ngoái và nới rộng khoảng cách với phần còn lại của toàn hệ thống TCTD. MB đứng vị trí thứ hai với tỷ lệ CASA đạt 36,1%, Vietcombank xếp thứ ba với tỷ lệ 33,2%.
Hàng loạt nhà băng khác cũng ghi nhận tỷ lệ CASA phục hồi trở lại. Đơn cử như tại MSB, ước tính kết thúc quý I/2024, tỷ lệ CASA đạt khoảng 29%, tăng 3% so với thời điểm cuối năm 2023. Đại diện MSB cho biết trong xu hướng phục hồi của CASA toàn hệ thống, MSB thúc đẩy tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn với mục tiêu nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường thông qua những tiện ích hấp dẫn hơn cho sản phẩm - dịch vụ, hướng tới mục tiêu chung về tỷ lệ CASA/tổng tiền gửi giai đoạn 2023 - 2027 trong khoảng 35 - 40%.
Còn tại ACB, Tổng giám đốc Từ Tiến Phát thông tin, quý I/2024, huy động tiền gửi không kỳ hạn tăng 4,6%, tỷ lệ CASA cải thiện từ 22% lên 23% và năm nay ngân hàng đặt mục tiêu giữ vị trí top 5. Với VPBank, CASA trở thành điểm sáng trong hoạt động huy động năm 2023 với quy mô đạt 78.200 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cuối năm 2022, trong đó khách hàng cá nhân chiếm 61% tỷ trọng. Trong năm nay, thông qua chiến lược phủ phân khúc và các giải pháp thanh toán số vượt trội, VPBank đặt mục tiêu tham vọng tiếp tục nhân đôi tiền gửi không kỳ hạn từ mảng bán lẻ, nhằm góp phần giảm chi phí vốn.
Chia sẻ về yếu tố thu hút CASA, lãnh đạo Techcombank cho biết, ngân hàng tập trung vào ba nhu cầu quan trọng của khách hàng là giao dịch, vay vốn và đầu tư. Khi khách hàng hài lòng, tin tưởng sử dụng các dịch vụ tại ngân hàng sẽ trở thành tài khoản giao dịch chính và tiền sẽ thường xuyên "xoay vòng" qua ngân hàng. CASA chính là trụ cột quan trọng, trong chiến lược của nhà băng đặt ra với tỷ lệ 55%”, lãnh đạo Techcombank khẳng định.
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà băng đều bày tỏ mục tiêu tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi. Bởi lẽ, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,2%/năm. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng càng cao sẽ tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), từ đó có thêm điều kiện cạnh tranh lãi suất cho vay trên thị trường. Nhà băng nào giữ được CASA ổn định và vượt trội sẽ có được lợi thế để vượt qua khó khăn, thách thức. Mặt khác, tỷ lệ CASA càng cao, càng thể hiện xu hướng phát triển ngân hàng hiện đại, theo tốc độ chuyển đổi số và thay đổi phương thức thanh toán trong nền kinh tế.
Cuộc đua rượt đuổi tỷ lệ CASA sẽ tiếp tục “gay cấn” trong năm 2024. Vì thế, theo các chuyên gia, trong bối cảnh ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng CASA thì cần có những cách làm mới, sáng tạo hơn để thu hút người dân mở tài khoản thanh toán. Ngoài ra, các TCTD cũng đang phải cạnh tranh quyết liệt với nền tảng ví điện tử, công ty công nghệ tài chính nhằm cung cấp những dịch vụ thanh toán đa dạng, tiện lợi và không tiếc tiền vào các chương trình khuyến mãi, ưu đãi để kéo người dùng.
Chia sẻ về kế hoạch để đạt được mục tiêu nâng cao tỷ lệ CASA, đại diện MSB cho biết, ngân hàng phân chia khách hàng theo từng phân khúc với sự thấu hiểu sâu sắc nhu cầu riêng biệt của tệp khách hàng mục tiêu, từ đó, đưa ra chuỗi giải pháp phù hợp, bao gồm tài khoản, tiết kiệm, thẻ tín dụng, vay thế chấp, vay tín chấp... Khi sử dụng một sản phẩm, khách hàng có thể kết nối với sản phẩm, dịch vụ khác và nhận nhiều giá trị tăng thêm. “Sự tin tưởng, hài lòng của người dùng sẽ tạo cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng CASA. Nói cách khác, MSB đang nỗ lực để trở thành ngân hàng giao dịch chính và lâu bền của khách hàng”, đại diện MSB chia sẻ. Cùng với đó, tỷ lệ CASA cao còn thể hiện tính hiệu quả của việc thu hút và giữ chân khách hàng dựa trên nền tảng số. Với khách hàng cá nhân, ngân hàng mang tới người dùng tiện ích về giao dịch hoàn toàn trực tuyến trọn vẹn từ bước mở tài khoản tới đăng ký, phát hành và quản lý sản phẩm tài chính như thẻ thanh toán, mua bảo hiểm, thẻ tín dụng hay khoản vay. Tương tự, đối với khách hàng doanh nghiệp, MSB đã ứng dụng số hóa trong hầu hết các bước tiếp cận của khách hàng như: mở tài khoản, chuyển tiền nhanh, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền quốc tế, bán ngoại tệ, giải ngân trực tuyến…
Còn theo đại diện VPBank, ngân hàng này sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa chiến lược phân khúc khách hàng. Cụ thể, VPBank sẽ tiếp tục xây dựng các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính “may đo”, nhằm đáp ứng đúng và trúng các nhu cầu của khách hàng.