Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Chuyển từ vận động sang chinh phục
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Giúp giảm nhập siêu, chuyển sang xuất siêu | |
Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Phát huy nguồn nội lực to lớn |
Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm hàng Việt Nam tại vườn hoa Lý Thái Tổ |
Sau 10 năm triển khai CVĐ đã góp phần tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt. Khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế.
Với vị trí là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, đầu mối giao lưu quốc tế của cả nước, Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu hưởng ứng và triển khai tích cực, sáng tạo có hiệu quả CVĐ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội, Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ: “Từ những kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Hà Nội và qua thực tiễn công tác lãnh đạo, điều hành và trực tiếp chứng kiến sự thay đổi tích cực về đời sống kinh tế - xã hội của thành phố những năm qua, tôi vui mừng thấy rằng CVĐ đã được các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân thủ đô hưởng ứng và đạt được những kết quả thiết thực, góp phần phát huy bản lĩnh trí tuệ Việt, khẳng định tiềm năng dồi dào về năng lực kinh doanh, phân phối của các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam, đồng thời phát huy lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống Thăng Long ngàn năm văn hiến và tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng của nhân dân trước những khó khăn thách thức của Thủ đô và đất nước, từ đó huy động tối đa nội lực để thực hiện nhiệm vụ ổn định, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững”.
Những kết quả đạt được trong 10 năm triển khai và tổ chức thực hiện cuộc vận động trên địa bàn Thủ đô là rất quan trọng và có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, nhất là đã góp phần làm cho người dân Thủ đô phát huy lòng yêu nước, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội để từ đó xây dựng văn hóa tiêu dùng, sản xuất và cung ứng ra thị trường những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội và xuất khẩu; góp phần nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đến nay, sau 10 năm thực hiện CVĐ người tiêu dùng mua sắm hàng hoá Việt Nam đang tăng lên đáng kể, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường và phát triển thị trường nội địa.
Giới doanh nghiệp đã có sự chủ động hơn trong việc đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh nhằm phát huy lợi thế tối đa của doanh nghiệp, chú trọng đổi mới công nghệ, quản lý điều hành, sản xuất, cung ứng đa dạng, phong phú các chủng loại sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, giá thành hạ và đi đôi với mở rộng thị trường, thiết lập các kênh bán hàng hoá, dịch vụ sau bán hàng, đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của người tiêu dùng.
Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay, Hà Nội đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt.
Để có được kết quả trên, thành phố đã triển khai các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu; hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị… tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất và kinh doanh.
Đặc biệt, Chương trình bán hàng bình ổn giá, các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt đã tạo nguồn cung sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” được duy trì hằng năm, được rút kinh nghiệm và ngày càng nâng cao chất lượng. Sau 9 năm triển khai thực hiện, có 771 lượt sản phẩm của 588 doanh nghiệp đã được người tiêu dùng yêu thích, bình chọn.
Bên cạnh đó, CVĐ cũng đang đối mặt với một số tồn tại, hạn chế, như: Một số đơn vị, doanh nghiệp thực hiện còn hình thức, chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, nội dung cuộc vận động; tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn khó kiểm soát, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng...
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động đánh giá cao những kết quả, thành tích TP. Hà Nội đã đạt được qua 10 năm triển khai, đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ quan trọng mà Hà Nội cần thực hiện tốt trong thời gian tới.
“TP. Hà Nội cần đôn đốc các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động tăng cường thực hiện nhiệm vụ được phân công; thường xuyên phổ biến các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã ký kết để doanh nghiệp nắm bắt, tận dụng được lợi thế và nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Đỗ Thắng Hải chia sẻ.
Chia sẻ với Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị, Ban chỉ đạo cuộc vận động các cấp, các sở, ban, ngành thành viên, cần xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Cuộc vận động ở cơ quan, đơn vị, địa phương là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; tránh tình trạng “khoán trắng” cho Ủy ban mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên hay ban chỉ đạo cuộc vận động cùng cấp.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu các đơn vị chức năng cần tiếp tục rà soát, bổ sung chương trình hành động tổ chức thực hiện cuộc vận động theo chỉ đạo của Trung ương, thành phố và phù hợp với yêu cầu thực tiễn; cần có sự thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hình thức, nội dung triển khai,... công tác này. “Cuộc Vận động cần triển khai tích cực ở một tầm mới, để thực sự trở thành Cuộc vận động của toàn dân”.