Đa dạng nguồn tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngân sách chi cho biến đổi khí hậu tăng mạnh
Báo cáo Rà soát đầu tư và chi tiêu công cho BĐKH (CPEIR) đánh giá, chi ngân sách nhà nước cho BĐKH của sáu bộ và 29 tỉnh/thành phố được công bố gần đây cho thấy, ngân sách cho BĐKH trong giai đoạn 2016-2020 của sáu bộ có giá trị từ 8.000 - 13.500 tỷ đồng, ổn định tương đương với 26-38% tổng ngân sách cấp bộ. Trong đó, hơn 90% ngân sách được chi cho nhiệm vụ thực hiện đầu tư ứng phó với BĐKH; phần còn lại chi cho “Khoa học, kỹ thuật và xã hội” và “Chính sách và quản lý nhà nước”.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông - Vận tải chiếm phần lớn ngân sách cho BĐKH với mức tổng chi hơn 8.000 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020. Các bộ khác có cơ cấu chi cho BĐKH đa dạng hơn, bao gồm các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ và kết hợp cả hai.
Ảnh minh họa |
Đối với các tỉnh, ngân sách cho BĐKH của 29 tỉnh/thành phố tăng 53%, từ khoảng 15.000 tỷ đồng năm 2016 lên gần 24.000 tỷ đồng vào năm 2020, tăng đều qua từng năm và chiếm tỷ trọng tương đối ổn định, khoảng 16-21% tổng ngân sách cấp tỉnh. Điều này chứng tỏ các tỉnh đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến BĐKH.
Trong đó, các hoạt động thích ứng BĐKH chiếm hơn 90% tổng mức chi. Hơn một nửa khoản chi cho nhiệm vụ thực hiện đầu tư ứng phó với BĐKH tập trung vào các lĩnh vực giao thông vận tải, khả năng chống chịu của các khu vực thành phố và dân cư, thủy lợi, đê sông và kè biển, chủ yếu liên quan đến cơ sở hạ tầng.
Theo bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, Việt Nam đang ngày càng phân bổ nhiều nguồn lực tài chính cho ứng phó với BĐKH. Tuy điều này mới chỉ đáp ứng được một phần và cần có sự hỗ trợ của quốc tế và khối tư nhân. Do nguồn lực hạn hẹp nên việc lập kế hoạch và sử dụng sẽ phải gắn chặt với những ưu tiên đã được xác định để đảm bảo đạt được các kết quả tốt nhất trong ứng phó với BĐKH.
Tận dụng nhiều nguồn lực
Theo thống kê, chi phí cho thích ứng với BĐKH ước tính sẽ vượt quá 3-5% GDP vào năm 2030. Nếu trong giai đoạn 2021-2030 Việt Nam thực hiện phương án chi 1,5% GDP cho thích ứng với BĐKH thì bình quân mỗi năm cần huy động vốn ngoài ngân sách vào khoảng 3,5 tỷ USD, hay khoảng 35 tỷ USD cho cả giai đoạn này. Chính vì vậy, ngoài nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương), các chuyên gia nhấn mạnh cần huy động nguồn lực từ một loạt các quỹ có liên quan trong nước và quốc tế cùng với các doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng cho thích ứng và ứng phó với BĐKH.
Đơn cử như một số cam kết về nguồn lực tài chính được công bố tại COP26 của Vương quốc Anh đó là: Cơ chế thúc đẩy tài chính xanh cho khu vực ASEAN (ACGF) trị giá 110 triệu bảng Anh do Vương quốc Anh hợp tác với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với mục đích tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh ở các nước được hỗ trợ ODA trong khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam; nhóm Phát triển cơ sở hạ tầng tư nhân (PIDG) do Vương quốc Anh hậu thuẫn cam kết đầu tư trị giá 210 triệu bảng Anh, với mục đích tài trợ cho các dự án xanh mang tính chuyển đổi ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam; hay Quỹ hành động khí hậu vì Châu Á bền vững (CARA) trị giá 274 triệu bảng Anh, trong đó Việt Nam là một trong số các quốc gia ưu tiên.
Theo TS. Lê Ngọc Cầu - Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (IMHEN), Việt Nam có thể tiếp cận tất cả các quỹ tài chính quốc tế về BĐKH. Trong đó, cần chú ý, tiêu chí tiếp cận và tiêu chí đánh giá dự án là khác nhau ở các quỹ, một số quỹ có thể nhận hồ sơ dự án và cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp, một số quỹ cung cấp hỗ trợ tài chính thông qua các ngân hàng thương mại hoặc quỹ ủy thác. Chi tiết về tổng số vốn và cơ chế hoạt động của các quỹ đều có ở báo cáo chi tiết và mỗi quỹ tài chính có cơ quan đầu mối quốc gia khác nhau. Đây sẽ là một nguồn lực quan trọng phục vụ cho việc thích ứng và ứng phó với BĐKH ở Việt Nam.
Ngoài ra, khu vực đầu tư tư nhân cũng chiếm một vị trí quan trọng. Theo TS. Nguyễn Văn Phương - Trưởng bộ môn Luật Môi trường, Trường đại học Luật Hà Nội, việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có thể thực hiện thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn. Hiện mô hình này đang được áp dụng từ trang trại của hộ gia đình cho đến mô hình của các doanh nghiệp lớn. Điều này cho thấy người dân, doanh nghiệp cũng dần quan tâm tới các mô hình kinh tế xanh, phát triển bền vững. Tuy nhiên, để có thể thu hút đầu tư vào lĩnh vực này hơn nữa, cần có sự hỗ trợ với tính chất khuyến khích về tài chính và các chính sách khác, để doanh nghiệp trong quá trình thiết kế sản phẩm sẽ hướng tới các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Cũng theo các chuyên gia, trái phiếu xanh là công cụ nợ để huy động vốn thực hiện các dự án xanh hiệu quả. Đây sẽ là kênh hút vốn quan trọng đối với các nhà đầu tư quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh BĐKH đang diễn ra phức tạp, do đó cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa thị trường này tại Việt Nam trong thời gian tới.
Để tăng cường nguồn lực tài chính cho BĐKH, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, báo cáo CPEIR cho thấy sự cần thiết phải có một hệ thống theo dõi, báo cáo toàn diện đầu tư và chi tiêu cho BĐKH được tích hợp vào hệ thống lập kế hoạch và ngân sách; chuyển đổi từ hồi cứu sang theo dõi chi tiêu BĐKH một cách chủ động. Từ đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp, thúc đẩy sự tham gia của các bên có liên quan nhằm tăng cường hiệu quả chi tiêu công cho BĐKH, đặc biệt trong giai đoạn triển khai chiến lược 10 năm 2021 - 2030.