Đà Nẵng - Ngành công thương tích cực hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt
Theo đại diện Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, năm 2023, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai, đem lại nhiều tác động tích cực, đẩy nhanh quá trình khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, kích cầu mua sắm hàng hóa.
Cùng với việc tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp theo Nghị quyết 53/2021/NQ-HĐND, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND TP. Đà Nẵng, Sở Công Thương tham mưu, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động hội chợ, triển lãm. Đặc biệt, hoạt động kết nối công nghiệp hỗ trợ tại Đà Nẵng với quy mô triển lãm 160 gian hàng của hơn 100 doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ chế biến chế tạo, các lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô, điện tử, công nghiệp công nghệ cao, dệt may...
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu ngành công thương cần triển khai hiệu quả “Đề án Nghiên cứu đề xuất hình thành một số chợ điểm phục vụ du lịch trên địa bàn”... |
Thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025, TP. Đà Nẵng tiếp tục triển khai Sàn thương mại điện tử thành phố, tổ chức các lớp tập huấn về thương mại điện tử, chương trình kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như: Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart…
Đặc biệt, tại phiên chợ thanh toán không tiền mặt kết hợp phát động Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday, hơn 50 gian hàng của gần 60 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Đồng Nai, Kon Tum... đồng hành của một số doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ, giải pháp thanh toán không tiền mặt tham gia để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Đại diện Sở Công Thương TP. Đà Nẵng thông tin thêm, hiện có hơn 7.000 tiểu thương tại các chợ trên địa bàn được trang bị mã QR, với tổng số tiền giao dịch của tiểu thương trên 20 tỷ đồng; giao dịch thanh toán của khách hàng hơn 13 tỷ đồng. Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng phối hợp với các NHTM triển khai nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, phương thức thanh toán điện tử cho các khoản nghĩa vụ của hộ kinh doanh cố định tại các chợ trực thuộc.
Ngành công thương TP. Đà Nẵng cần phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu. |
Cùng với đó, Sở Công Thương thẩm định và đề xuất Cục Công Thương hỗ trợ từ nguồn khuyến công quốc gia 450 triệu đồng, tổ chức 7 đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, Hội chợ Quà tặng, Hội chợ OCOP tại Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Bình, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Đắk Nông; hỗ trợ hơn 35 lượt doanh nghiệp/cơ sở tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP của Đà Nẵng.
Sở đã tham mưu UBND thành phố tổ chức Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố - Đà Nẵng năm 2023. Có 18 sản phẩm được UBND TP. Đà Nẵng công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố 2023; trình Bộ Công Thương công nhận 2 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.
Một số chỉ tiêu của ngành có được mức tăng trưởng so với cùng kỳ như tổng giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tăng 0,33% (chiếm tỷ trọng 13,9% trong GRDP thành phố), tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 5,9%. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu chưa lấy lại được mức tăng trưởng như Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước giảm 2,5%.
Mặc dù, hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm 2023 có sự phục hồi tốt nhưng giá trị chung năm 2023 vẫn giảm so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đà Nẵng năm 2023 ước đạt 1.864 triệu USD, giảm 11,6% so với năm 2022. Trong đó, doanh nghiệp trong nước đạt khoảng 820 triệu USD giảm 12,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1.040 triệu USD, giảm 11%.
Theo bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng, thời gian tới, ngành công thương thành phố tiếp tục tham mưu điều chỉnh, ban hành mới chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển ngoại thương, nhằm tháo gỡ những bất cập trong quy định hiện hành về xây dựng, quản lý và chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại TP. Đà Nẵng.
Bà Phương cho rằng, một số nội dung và định mức hỗ trợ không còn phù hợp với thực tiễn; thiếu các quy định cụ thể hỗ trợ phát triển ngoại thương; hỗ trợ phát triển, vận hành hạ tầng thương mại, logistics phục vụ hoạt động ngoại thương; hỗ trợ nghiên cứu, phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường.
Đồng thời, đầu tư nâng cấp các chợ, thuộc quận huyện quản lý, từng bước đảm bảo yêu cầu văn minh thương mại, an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và du khách. Nghiên cứu, tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn, nhằm thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng các thị trường xuất khẩu đòi hỏi yêu cầu cao về sản phẩm xanh, sạch.
Hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, năng lượng, thương mại xuất nhập khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế; tìm kiếm thị trường đầu ra sản phẩm và thị trường cung cấp nguyên, vật liệu. Nhất là cho các ngành chế biến chế tạo. Đồng thời, nhân rộng mô hình Nhà máy thông minh, thực hiện chuyển đổi xanh.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 ngành công thương TP. Đà Nẵng, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: khuyến công, xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế... chưa có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức thực hiện.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi |
Theo ông Cường, với chủ đề “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”; trong đó, đặt ra một số chỉ tiêu cơ bản trên lĩnh vực Công thương như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3%; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 5-6%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8-9%; gắn với các nhiệm vụ, công việc chủ yếu cần tập trung hoàn thành, đảm bảo đúng tiến độ thời gian và yêu cầu cao về chất lượng... Vậy nên, yêu cầu Sở Công Thương hoàn thiện, trình phê duyệt các nội dung đề xuất trên các lĩnh vực thuộc ngành Công thương trên cơ sở Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai, nhất là lộ trình thực hiện các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư để tạo động lực tăng trưởng bền vững cho ngành công thương, đóng góp chung vào tăng trường GRDP của Đà Nẵng. Tham mưu UBND TP. Đà Nẵng trình cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực phát triển thành phố, bao gồm chính sách về thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng logistics và thành lập khu phi thuế quan TP. Đà Nẵng; các chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển ngoại thương và chính sách hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến năm 2030.
Đặc biệt, ông Cường lưu ý, ngành công thương cần triển khai hiệu quả “Đề án Nghiên cứu đề xuất hình thành một số chợ điểm phục vụ du lịch trên địa bàn”; phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bên cạnh đó, rà soát lại các đề án đã ban hành để tổ chức triển khai kịp thời và hiệu quả. Sớm đưa cụm công nghiệp Cẩm Lệ vào vận hành, khai thác; tiếp đến là lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam và hoàn thiện hồ sơ, phương án thành lập cụm công nghiệp Hòa Liên…