Đại biểu Quốc hội: Cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp
Sẽ phối hợp đồng bộ chính sách để tăng thanh khoản cho nền kinh tế Cần quy định cụ thể danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá |
Đại biểu Phạm Đức Ấn (TP. Hà Nội) nhận xét, dù Chính phủ đã rất cố gằng nỗ lực nhưng kết quả đạt được lại không mấy khả quan. Từ đầu năm 2023, nhiều khó khăn đã lộ diện. Những DN dù cố cầm cự sản xuất, nhưng sản phẩm sản xuất ra cũng không bán được vì lượng tồn kho quá lớn, trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn xuất phát từ lượng cầu giảm thấp.
Đại biểu Phạm Đức Ấn (TP. Hà Nội) |
Phân tích thực trạng này, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, lúc này động lực tăng trưởng kinh tế phải xuất phát từ trong nước, nên giải pháp lớn nhất lúc này là chi tiêu được ngân sách cũng như tăng chi tiêu đầu tư công. Nhưng đầu tư công thực tế chỉ tăng 15.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 và trên thực tế tỷ lệ chưa đạt được 16% là chưa đạt so với kỳ vọng.
Ngoài ra, theo đại biểu Phạm Đức Ấn, hiện nay dù lãi suất có giảm và nguồn tín dụng của nền kinh tế khá dồi dào, nhưng nhu cầu vốn hiện nay rất thấp. Các ngân hàng muốn giải ngân cũng không được vì DN sản xuất hàng ra không bán được nên có khuyến khích DN cũng không muốn vay là bế tắc nhất của nền kinh tế cho thấy không phải vì lãi suất mà nền kinh tế không tăng trưởng được.
Đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy (Hà Nam) thì cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được của năm 2022 chúng ta cũng cần nhìn nhận thẳng thắn vào những khó khăn bắt đầu từ quý 4/2022. Đặc biệt, sang năm 2023 đã bộc lộ mà lãnh đạo các địa phương có thể nhìn thấy rất rõ.
Cụ thể, tăng trưởng quý 1/2023 chỉ đạt 3,32%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Ngay như Hà Nam là địa phương nhiều năm có mức tăng trưởng hai con số, nhưng riêng quý 1/2023 cũng chỉ tăng 4,04%, đây là con số rất thấp, trong đó tăng trưởng về công nghiệp và xuất khẩu giảm rõ rệt.
Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, trong khi nhiều năm trước thường trong tình trạng thiếu lao động để dồn lao động cho các khu công nghiệp. Nhưng hiện nay lại có hiện tượng người lao động không có việc làm. Trong hơn 8 năm qua bây giờ mới xảy ra hiện tượng người lao động không có việc làm, nhiều doanh nghiệp sa thải lao động.
Đại biểu Quốc hội họp tại tổ đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội |
Về giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Trương Quốc Huy cho rằng, muốn làm nhanh cũng không được vì quy trình đầu tư công rất phức tạp và nhiều khâu. Đơn cử, để triển khai được dự án thì phải chuẩn bị khu tái định cư. Nếu đúng quy trình đất nông nghiệp phải mất 6 tháng nếu nhận được sự đồng thuận của người dân, cưỡng chế phải 9 tháng nếu liên quan đến đất ở.
“Cái khó là phải chuẩn bị chỗ ở cho người dân. Quá trình này kéo dài hàng năm, chưa kể các thủ tục liên quan đến đất đai có rất nhiều quy trình”, đại biểu Trương Quốc Huy chia sẻ.
Vẫn theo đại biểu Trương Quốc Huy, đầu tư tư nhân trước đây các chủ trương đầu tư do cấp tỉnh quyết, như đánh giá tác động môi trường. Nhưng theo luật mới trên 10 ha đất lúa là phải lên bộ. Tất cả các địa phương đều bị “tắc” ở điểm này nên mới xảy ra tình trạng hồ sơ bị xếp “chồng đống”.
Với đầu tư tư nhân, nếu với quy mô 1.500 tỷ đồng, thiết kế cơ sở, phòng cháy chữa cháy, quản lý xây dựng là phải lên xin ý kiến các bộ, ngành. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, địa phương đã phải “lách” bằng cách khi doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp với số vốn 1.500 tỷ đồng thì sẽ giảm xuống còn 1.400 tỷ đồng hoặc 1.450 tỷ đồng để địa phương quyết cho nhanh, doanh nghiệp sớm đi vào sản xuất.
Tuy nhiên, nếu sau này doanh nghiệp làm thêm gara để xe hay đầu tư thêm khâu nào đó mà vượt lên trên 1.500 tỷ đồng, khi đó lại phải “lôi lên” để thẩm định. “Địa phương chấp nhận phải tìm cách đi vòng như vậy để đưa doanh nghiệp nhanh chóng đi vào sản xuất, còn các bước khác thì đành phải làm sau”, đại biểu Trương Quốc Huy thẳng thắn.
Từ thực trạng này, đại biểu kiến nghị phải tháo gỡ về cơ chế. Vốn kích cầu mà Quốc hội thông qua chắc chắn không có địa phương nào thực hiện được trong năm 2022 và 2023. “Chúng tôi đã làm “hết cỡ” nhưng đúng đến 30/6 này mới khởi công được dự án. Vì vướng rất nhiều quy trình và cũng không thể giải ngân được. Có thể các địa phương sẽ phải xin ý kiến Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xin kéo dài sang năm 2024 thì mới giải ngân được”, đại biểu Trương Quốc Huy bày tỏ.
Phát biểu tại tổ, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, những khó khăn kinh tế hiện do cả tác động từ bên ngoài và những vấn đề nội tại. Điều này đã được lường trước khi xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2023. Từ bên ngoài, các thị trường biến động liên tục, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa giảm mạnh, dẫn đến nhiều ngành hàng xuất khẩu khó khăn, nhiều lao động mất việc làm.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân |
Từ bên trong, nền kinh tế đang đối mặt nhiều vấn đề mà trong đó, theo đại biểu, gốc rễ là vấn đề cán bộ. Chất lượng thể chế, chất lượng cán bộ mới là vấn đề chứ không phải do sự vận hành của các thiết chế về kinh tế, doanh nghiệp.
Nêu ví dụ về chất lượng thể chế, đại biểu chỉ ra nhiều đạo luật có vòng đời quá ngắn, thể hiện tư duy chiến lược, tầm nhìn lập pháp chưa tốt, gây khó cho cả người dân và doanh nghiệp. Theo đại biểu, cần phải có ban chỉ đạo trung ương về cải cách thể chế mới đủ mạnh để xác định trật tự pháp luật xuyên suốt.
Nhấn mạnh, doanh nghiệp trong nước mới là động lực chính và lâu bền của nền kinh tế, đại biểu đề nghị phải quan tâm phát triển năng lực, nuôi dưỡng doanh nghiệp dân tộc. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đại biểu cho rằng nếu có sai phạm thì “đánh cho chừa chứ không đánh cho chết”.
“Trừ khi doanh nghiệp đó can thiệp vào an ninh quốc gia, phá hủy nền kinh tế thì phải trừng trị thích đáng, còn họ sai lầm, vướng mắc bởi thể chế, chính sách pháp luật không ổn định thì có lỗi của chúng ta, khi đưa ra luật chơi không sòng phẳng. Cần xem xét cho khách quan để tạo lực lượng doanh nhân thực sự hùng mạnh, tự chủ thì chúng ta mới hùng cường”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Với quan điểm đó, đại biểu đoàn Cà Mau nhấn mạnh việc không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự, có chính sách xử lý nghiêm minh nhưng đồng thời cũng khoan dung, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục, từ đó gây dựng niềm tin lâu dài cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đánh giá “câu chuyện về kinh tế vĩ mô hiện nay khá đau đầu”, song đại biểu cho rằng nếu có giải pháp đồng bộ, thích hợp thì các quý tới có thể bứt phá. Cụ thể, đại biểu đề xuất 7 giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, trong đó có giải pháp về tổ chức nhân sự, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội tới đây có chuyên đề giám sát tối cao về thực thi trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong hệ thống hành chính nhà nước.