Đại biểu Quốc hội kiến nghị ba giải pháp ổn định thị trường nhà đất
Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nhà ở Phát triển thị trường bất động sản bền vững: Nhận diện tồn tại, kiến nghị giải pháp |
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy |
Nữ đại biểu đánh giá cao Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã rất quyết liệt, tổ chức nhiều hội nghị, cuộc làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tập trung vào vấn đề liên quan đến giá bất động sản, đại biểu Nguyễn Thị Thủy bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng giá bất động sản tăng cao tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, khiến cho thị trường bất động sản vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn.
Về vấn đề này, đại diện Bộ Xây dựng cũng cho rằng giá bất động sản tăng cao trong thời gian qua là bất thường và không hợp lý. Từ đầu năm 2023, giá nhà đất đã tăng mạnh ở hầu hết các phân khúc, từ chung cư, nhà liền kề đến biệt thự. Đặc biệt, không chỉ các khu vực trung tâm mà giá nhà đất còn lan ra các quận, huyện ngoại thành. Như báo chí đã thông tin, nhiều người dân ở Hà Nội đã phải từ bỏ ý định mua nhà do giá chung cư, kể cả chung cư cũ, đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trước.
Đại biểu Thủy cũng đề cập đến hiện tượng đấu giá đất ở các huyện ven đô, với giá đất có thể lên tới hơn 100 triệu đồng/m², tương đương với đất dự án đã được đầu tư hạ tầng. Giá nhà, đất liên tục thiết lập các mặt bằng mới và vượt xa so với thu nhập của đại bộ phận người dân.
Theo Bộ Xây dựng, tình trạng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá đang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất tăng cao như thời gian vừa qua. Trên thực tế, có tình trạng một số hội, nhóm đầu cơ… đã thực hiện việc thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý của người dân để trục lợi, sử dụng thủ đoạn đẩy giá cao tại các phiên đấu giá đất rồi sẵn sàng bỏ cọc để thiết lập mặt bằng giá mới cho các khu vực mà họ đã đầu tư trước đó.
Một nguyên nhân khác là tâm lý của một bộ phận người dân mua đất với hy vọng giá sẽ tăng. Thực tiễn cho thấy, nhiều người dân đã không ngần ngại vay mượn để mua đất với kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng cao. Tâm lý này đã thúc đẩy nhu cầu ảo, góp phần làm tăng giá nhà đất.
Ngoài ra, tồn tại sự mất cân đối trong các phân khúc, thị trường đang thiếu trầm trọng nguồn cung nhà ở, nguồn cung căn hộ dành cho những người có thu nhập trung bình, trong khi lại đang dư thừa nguồn cung đối với các loại hình sản phẩm căn hộ cao cấp. Sự lệch pha cung cầu này không chỉ dẫn tới khan hiếm ở thị trường căn hộ bình dân dành cho phần đông người lao động mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị thao túng trong phân khúc nhà ở bình dân rất cao.
Trước tình hình trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đã đề xuất ba giải pháp chính nhằm ổn định thị trường và hỗ trợ người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở. Đầu tiên, kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại, phù hợp với túi tiền của đa số người lao động. Điều này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp, góp phần bình ổn thị trường.
Cùng với đó, quyết liệt trong việc tháo gỡ những vướng mắc hiện tại của các dự án nhà ở.
“Theo nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, nếu như tháo gỡ được những vướng mắc của các dự án căn hộ hiện nay thì có thể đưa vào thị trường thêm vài nghìn căn hộ nữa, từ đó cũng góp phần giúp giảm giá bất động sản hiện nay”, đại biểu Thủy nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu triển khai các biện pháp mạnh nhằm kiểm soát tình trạng đầu cơ bất động sản. Việc quản lý chặt chẽ các hành vi đầu cơ sẽ hạn chế được các rủi ro bất ổn, hướng tớimột thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững.