Đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội
Tăng tính hấp dẫn đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) Nhiều băn khoăn về quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần |
Đề xuất nhiều chế tài đối với các vi phạm
Thống kê từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) cho thấy, tỉ lệ số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) so với số tiền phải thu có xu hướng giảm dần qua từng năm: Năm 2016 chiếm 3,75%, đến năm 2022 là 2,91%, năm gần nhất 2023 ghi nhận 2,69%. Tuy nhiên, về con số tuyệt đối thì số tiền chậm đóng gia tăng qua từng năm, đến năm 2023, con số này đã lên đến trên 13 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả tiền lãi chậm đóng).
Đáng chú ý, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp có xu hướng chây ỳ, chậm đóng BHXH gây bức xúc rất lớn cho người lao động. Đơn cử tại TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết quý I/2024 có tới hơn 20.039 đơn vị chậm đóng BHXH cho người lao động từ 3 tháng trở lên. Nhiều đơn vị bị phản ánh không làm tròn nghĩa vụ với người lao động nhiều năm liền, với số tiền chậm đóng lên đến hàng tỷ đồng. Cá biệt, có những doanh nghiệp chậm đóng BHXH cho hàng ngàn lao động với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Luật BHXH (sửa đổi) |
Nhiều chuyên gia về BHXH nhận định, bên cạnh biến động kinh tế khiến doanh nghiệp gặp khó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH kéo dài còn do ý thức tuân thủ pháp luật của một số đơn vị chưa cao. Hiện tượng nhiều doanh nghiệp nợ BHXH chây ì, không chịu đóng bắt nguồn từ việc xử lý, chế tài chưa nghiêm.
Hiện vấn đề này đã được đem ra bàn thảo, mổ xẻ Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đưa ra nhiều ý kiến, đóng góp cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được đánh giá là có những tác động lớn trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Hai đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang và ĐBQH Đào Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ đều tin rằng các cơ quan chức năng cần thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động biết trên các phương tiện thông tin đại chúng để có thêm thông tin khi tham gia vào thị trường lao động.
Bà Hương còn đưa ra đề nghị, Luật BHXH (sửa đổi) quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH gia tăng.
Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Danh Lam, Đoàn đại biểu Hậu Giang đề nghị Chính phủ nên bắt buộc doanh nghiệp có quỹ dự phòng BHXH giống như quỹ dự phòng của doanh nghiệp hoặc quỹ hoạt động của doanh nghiệp theo tỷ lệ nhất định. Việc này hướng đến đảm bảo quyền lợi đóng BHYT, BHXH, BHTN, tai nạn lao động cho người lao động.
Bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động
Bên cạnh những quy định, chế tài bắt buộc yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, thì rất cần bổ sung đặc thù bảo vệ quyền lợi của người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH. Chính phủ thấy rằng, bổ sung quy định đặc thù bảo vệ quyền lợi cho người lao động là rất cần thiết.
Mới đây, tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện cả nước có hơn 200.000 lao động trong diện bị nợ BHXH do doanh nghiệp phá sản, có chủ bỏ trốn. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đưa ra đề xuất chính sách đặc thù đối với nhóm người lao động gặp khó là xóa nợ BHXH trong các trường hợp này bằng chính nguồn kết dư của quỹ BHXH và các nguồn dự trữ, đảm bảo quyền lợi của cho họ.
Giải quyết cho người lao động khi doanh nghiệp, tổ chức không còn khả năng đóng BHXH |
Đứng dưới góc độ sửa đổi các quy định luật pháp, để phù hợp với thực tiễn, tại Điều 41 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất: Trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động, cơ quan BHXH xác nhận tạm thời thời gian đã đóng BHXH khi có yêu cầu của người lao động làm cơ sở thực hiện chế độ BHXH trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng mà tạm ngừng kinh doanh, không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cưỡng chế về quản lý thuế…
Nếu người lao động mà người sử dụng lao động mà nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc thì cơ quan BHXH xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH làm cơ sở thực hiện chế độ BHXH cho người lao động.
Cơ quan BHXH giải quyết chế độ BHXH cho người lao động bị chậm đóng, trốn đóng BHXH thuộc trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hàng tháng thì được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hàng tháng theo thời gian đã được xác nhận.
Trường hợp tính cả thời gian chậm đóng, trốn đóng mới đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hàng tháng thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không bao gồm số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số ngày, số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hàng tháng hoặc hưởng BHXH một lần cho thời gian đã được xác nhận. BHXH sẽ hoàn trả cho người lao động, thân nhân của người lao động số tiền trước đây đã nộp khi thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng.