Dán tem ở cây xăng: Giải pháp chống gian lận hiệu quả
Hàng Việt vẫn có lợi thế | |
Khả năng hộp sữa bị tổn thương bao bì? | |
Xe máy sẽ phải kiểm định khí thải trước khi tham gia giao thông |
Minh bạch trong kinh doanh xăng dầu, chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu là vấn đề cả xã hội quan tâm, đặc biệt, nạn buôn lậu mặt hàng này chưa được đẩy lùi. Việc gian lận ở các trạm bán xăng, hay trong khâu vận chuyển… xảy ra ngày một nhiều hơn, gây thiệt hại lớn cho chính chủ những cây xăng và người tiêu dùng, nhà nước thì thất thu thuế…
“Dán tem niêm phong đồng hồ tổng ở các cây xăng là biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và phù hợp của các DN kinh doanh xăng dầu và bảo vệ lợi ích của nhà nước là yêu cầu có tính cấp thiết và khách quan đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu”, ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.
Ảnh minh họa |
Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng và Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã có sáng kiến dán tem niêm phong đồng hồ tổng đo đếm lượng xăng tiêu thụ tại từng cột xăng của các cửa hàng xăng dầu. Giải pháp này được đánh giá là hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế, điều kiện đầu tư thiết bị và công nghệ hiện nay.
Lãnh đạo Bộ Tài chính, Lãnh đạo Tổng cục Thuế và đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Tài chính đã xác định đây là giải pháp quản lý hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và yêu cầu triển khai rộng trong cả nước. Bắt đầu từ tháng 9/2016, ngành Thuế đã dần triển khai dán tem niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng ở các tỉnh. Biện pháp này vừa ngăn chặn gian lận bảo đảm nơi bán xăng kê khai đúng số lượng, chất lượng xăng dầu, doanh thu bán hàng, chặn kẽ hở bán nhiều, kê khai ít. Nó không những chống thất thu thuế, mà còn giúp chính các chủ cây xăng không bị người làm biển thủ, gian lận...
“Đến nay, mới sau 5 tháng thực hiện, đã có kết quả ấn tượng”, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế cho biết. Hiện cả nước có hơn 10 DN kinh doanh xăng dầu đầu mối với hơn 14.000 trạm bán xăng với khoảng hơn 40 trụ xăng. Đến nay đã có 48 tỉnh/thành phố đã hoàn thành dán tem tại các cột bơm xăng dầu trên địa bàn với hơn 10.000 điểm tại hơn 30.000 trụ xăng.
Giải pháp này không chỉ giúp DN quản lý tốt hơn lượng xăng bơm vào, bán ra, không thất thoát sản lượng, doanh thu được phản ánh đúng, thuế không thất thu, mà những số liệu chính xác về lượng mua - bán xăng ở từng cây xăng và trên địa bàn còn là một thông tin quan trọng cho việc điều hành kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là những tỉnh biên giới, những nơi có nguy cơ buôn lậu xăng dầu cao.
Ông Thủy cho biết ở Nghệ An, bắt đầu triển khai dán tem từ tháng 6/2015 và hoàn thành vào tháng 11/2015. Kết quả, thấy lượng xăng, dầu tiêu thụ và số thuế bảo vệ môi trường thu được năm 2016 tăng khoảng hơn 20% so với năm 2015. Tại Quảng Ninh, nơi đã hoàn thành việc dán tem vào cuối tháng 11/2016, sản lượng tiêu thụ và số thuế bảo vệ môi trường tăng bình quân tháng so với trước thời điểm dán tem khoảng xấp xỉ 15%. Ở Bình Định và Thái Bình, sau khi hoàn thành dán tem, lượng tiêu thụ và doanh số bán lẻ xăng dầu tăng bình quân tháng so với trước đó xấp xỉ 14%.
“Trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận được sự đồng tình và phối hợp rất tốt từ các DN kinh doanh xăng dầu. Các DN kinh doanh xăng dầu có thị phần lớn với số lượng cây xăng nhiều như Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty xăng dầu Quân đội, Tổng công ty dầu Việt Nam, Saigon Petrol… cho biết, việc dán tem không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết.
“Đây là giải pháp hiệu quả cần tiếp tục triển khai mạnh. Về lâu dài cần áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư hệ thống, thiết bị và chuẩn bị cơ sở pháp lý để áp dụng hóa đơn điện tử đến tất cả các cửa hàng, chi nhánh, công ty kinh doanh xăng dầu và thực hiện kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế”, ông Thủy nói thêm.