Hàng Việt vẫn có lợi thế
Nỗi lo hàng Việt mất chỗ đứng | |
Hàng Việt trong tim người Việt | |
VINGROUP: Nâng cao vị thế hàng Việt |
Nhìn vào các thương hiệu như trái cây sấy Vinamit, cà phê Trung Nguyên, sữa Vinamilk, gạo Nàng Hương Chợ Đào… hiện diện đầy ắp tại các siêu thị cũng có thể thấy, thương hiệu mạnh, chất lượng hàng hóa tốt, bao bì bắt mắt, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng luôn là lợi thế lớn, bất chấp ở quầy của nhà bán lẻ nội hay ngoại. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam đã chia sẻ như vậy ở Hội chợ Bán lẻ và Nhượng quyền thương mại 2016 tại TP. Hồ Chí Minh.
Chất lượng hàng tiêu thụ nội địa cũng được đầu tư không kém hàng xuất khẩu |
Theo bà Loan, Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập kinh tế mạnh mẽ, việc mở cửa thị trường bán lẻ đang mang tới rất nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, với nguồn hàng hóa có xuất xứ phong phú, chất lượng cao, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh tốt và giá cả không quá cao (như hàng ngoại nhập trước đây, giá cao hơn hàng nội địa cùng loại đến 70% - 80%).
Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt sẽ buộc các DN phải thay đổi phương cách hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo giá thành hợp lý. Một lợi thế đáng kể của DN nội là hiểu rõ thị hiếu, gu tiêu dùng của người dân. Hàng ngoại tuy mới lạ, chất lượng tốt, nhưng nhiều khi không dễ “sống” cùng cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng.
Nhìn vào lĩnh vực sản xuất hàng hóa (hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm, hóa mỹ phẩm, may mặc…) của DN trong nước có thể thấy, chất lượng hàng tiêu thụ nội địa cũng được đầu tư không kém hàng xuất khẩu.
Ở từng phân khúc thị trường (bình dân hay cao cấp, thành thị hay nông thôn), các DN đều xác định rõ đối tượng tiêu dùng phù hợp và có hệ thống phân phối mở rộng. Đây chính là hướng đi đúng đắn trước sức ép cạnh tranh ở thị trường bán lẻ.
Lấy ví dụ như Saigon Co.op, là DN Việt Nam nằm trong TOP 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á. Trong siêu thị Co.op Mart, có đến 95% là hàng Việt Nam có chất lượng tốt, phù hợp người tiêu dùng Việt, và thu hút từ 300 – 400 nghìn lượt khách/ngày đến mua sắm.
Điều này đủ cho thấy, lợi thế cạnh tranh của hàng Việt vẫn rất lớn. Vấn đề là các DN, nhà bán lẻ tận dụng lợi thế đó đến đâu và như thế nào.
Theo ông Philippe Broianigo, Tổng giám đốc Central Group Việt Nam, thì sau khi mua lại hệ thống Big C, các nhà đầu tư vẫn giữ mối quan hệ tốt và bền vững với những nhà cung cấp Việt Nam. Những sản phẩm hàng hóa Việt Nam truyền thống, có thương hiệu, quen thuộc đều có mặt trong siêu thị Big C.