Dân ven đô thoát nghèo nhờ vốn ưu đãi
Động lực giảm nghèo ở Tây Sơn | |
Khi đồng vốn ưu đãi vượt sóng gió | |
Tín dụng chính sách góp phần hạn chế tín dụng đen |
Cứ vào ngày 22 hàng tháng, trụ sở UBND xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ, Hà Nội lại nhộn nhịp người ra, vào để trả lãi, gốc, nhận vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Nhờ sự hỗ trợ của nguồn vốn này mà nhiều hộ gia đình khó khăn đã vươn lên trở thành hộ khá của xã.
Chẳng hạn như hộ bà Nguyễn Thị Vân, cụm 1, xã Sen Chiểu, đã vay của chương trình giải quyết việc làm 30 triệu đồng từ năm 2017 để chăn nuôi và trồng rau màu, mỗi năm cho thu nhập ổn định 40 triệu đồng/năm. Mặc dù chưa tới thời hạn nhưng gia đình bà Vân đã trả hết nợ ngân hàng để tạo điều kiện cho các hộ khó khăn hơn vay vốn. “Nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH mà nhiều người ở các vùng nông thôn như chúng tôi đã phát triển được sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập”, bà Vân chia sẻ. Theo các hộ dân vay vốn ở xã Sen Chiểu, vay vốn NHCSXH không chỉ ưu đãi về lãi suất mà còn được phục vụ ngay tại trụ sở UBND xã nên rất thuận tiện cho người dân.
Ông Khuất Tiến Minh (bên phải), xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ chia sẻ về kỹ thuật trồng bưởi với cán bộ NHCSXH |
Bà Phan Thị Dục, Tổ trưởng Tổ TK&VV ở cụm 1 chia sẻ, bà con luôn nhận thức đầy đủ về vốn vay nên chất lượng tín dụng khá tốt. Tổ có 33 thành viên vay vốn, tổng dư nợ 600 triệu đồng. “Dù vay vốn chương trình hộ nghèo, giải quyết việc làm thì đều sử dụng vốn hiệu quả. Hơn 15 năm qua, tổ của tôi không có nợ quá hạn”, bà Dục khoe.
Ở góc độ chính quyền địa phương, ông Đỗ Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Sen Chiểu cho biết, hiện NHCSXH đang giải ngân 7 chương trình tín dụng gồm hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh-sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhà ở hộ nghèo và giải quyết việc làm. Toàn xã có 487 hộ được vay vốn với tổng dư nợ gần 15 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã giúp người dân khắc phục khó khăn. Một điểm rất ấn tượng của chương trình tín dụng ưu đãi là giúp người dân được tiếp cận liên tục để thoát nghèo bền vững. Ví dụ như với những hộ nghèo thì vay vốn chương trình hộ nghèo để vươn lên thoát nghèo; hộ mới thoát nghèo lại có cơ hội vươn lên có thu nhập trung bình bằng cách vay vốn giải quyết việc làm tạo cơ hội mở rộng dịch vụ, đầu tư kinh doanh.
Không chỉ ở xã Sen Chiểu, mà người dân ở các xã khác của huyện Phúc Thọ cũng sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi. Xã Tích Giang được xem là nơi nổi tiếng về trồng cây ăn quả và nhờ nguồn vốn NHCSXH đã có nhiều hộ vươn lên thành hộ khá mà ông Khuất Tiến Minh, ở cụm 6 là ví dụ điển hình. Từng đóng quân ở Lai Châu tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc mấy chục năm trước, trở về địa phương, là thương binh hạng 4/4 nhưng ông Minh không bao giờ từ bỏ niềm đam mê sản xuất nông nghiệp với sự hỗ trợ của nguồn vốn ưu đãi. Gần đây nhất, đầu năm 2019, ông vay 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để trồng cây ăn quả như bưởi, ổi, vú sữa và ươm bán nhiều loại cây giống, phục vụ bà con trong huyện. Với 5 sào cây ăn quả và vườn ươm giống, gia đình ông Minh là một trong những hộ có thu nhập khá trong xã.
Theo Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phúc Thọ - ông Đàm Quốc Thịnh, để nguồn vốn cho vay hiệu quả, Phòng giao dịch luôn đẩy mạnh việc củng cố và nâng cao chất lượng tại điểm giao dịch xã, có bảng công khai các chính sách tín dụng ưu đãi, danh sách hộ vay, hòm thư góp ý, các thủ tục giải quyết công việc để người dân trên địa bàn nắm được các chính sách, quy định trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Hoạt động hiệu quả của tổ giao dịch lưu động đã tạo thuận lợi cho hộ vay vốn nhận tiền vay, trả nợ vay tại UBND xã; kết hợp tổ chức giao ban định kỳ giữa NHCSXH với hội đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn để thông báo mọi hoạt động nghiệp vụ, triển khai chương trình tín dụng chính sách ngay tại xã đã giúp người dân sử dụng vốn vay hiệu quả, giảm nghèo hiệu quả, đóng góp tích cực vào giải quyết an sinh xã hội của địa phương.