Động lực giảm nghèo ở Tây Sơn
Khi đồng vốn ưu đãi vượt sóng gió | |
Tín dụng chính sách góp phần hạn chế tín dụng đen | |
Giá trị nhân văn từ tín dụng ưu đãi đặc biệt |
Nâng chất lượng cuộc sống nhờ vốn ưu đãi
Mảnh đất Tây Sơn (tỉnh Bình Định) vốn nổi tiếng với tên tuổi của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Và ngày nay, trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện trung du của tỉnh Bình Định này còn biết đến thành tích “đáng nể” về giảm nghèo. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của nguồn vốn NHCSXH, nỗ lực của chính quyền, các hội đoàn thể địa phương đã giúp tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2011, hộ nghèo chiếm tỷ lệ 18,6%, năm 2019 vừa qua tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 4,99%.
Văn bản về các chương trình vay vốn, danh sách hộ vay được NHCSXH niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã Bình Tân |
Chia sẻ thêm về nguồn vốn cho vay ưu đãi, bà Nguyễn Thị Thủy – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tây Sơn cho biết, nhiều năm qua nguồn vốn ưu đãi đã hỗ trợ thiết thực cho người nghèo, vùng nghèo, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và an sinh xã hội. Nguồn vốn của NHCSXH đã giúp cho gần 1.100 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 67 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trên 633 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 1.079 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) và 16 căn nhà cho hộ nghèo…
Đơn cử như tại thôn Mỹ Thạnh, xã Bình Tân nhiều người biết đến gia đình chị Võ Thị Trinh liên tục được vay vốn NHCSXH để thoát nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhớ lại 5 năm trước gia đình chị Trinh đã vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo để mua hai con bò sinh sản. Sau đó, gia đình chị bán nhiều lứa bê giúp trang trải cuộc sống và có chút tiền dành dụm. Đến nay gia đình chị đã có "tài sản" là 5 con bò, trị giá khoảng gần 100 triệu đồng. Ngoài nuôi bò, gia đình chị còn có vốn để trồng hoa màu với 12 sào lạc và 7 sào lúa và chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo từ đầu năm 2019.
Ngoài ra, mới nhất là hồi đầu năm 2019 khi xây nhà mới gia đình chị Trinh đã được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng chương trình NS&VSMTNT để xây dựng công trình nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Vui mừng trước việc thoát nghèo của tổ viên, bà Hà Thị Thanh Lâm, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Mỹ Thạnh cho biết, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH rất hiệu quả với người dân nông thôn, được ví như "vốn mồi" để giúp người dân có thêm động lực trong sản xuất, kinh doanh mà gia đình chị Trinh là một điển hình. Đến nay, dư nợ của tổ thôn Mỹ Thạnh là 2,7 tỷ đồng với 54 hộ tổ viên, các hộ đều sử dụng vốn ưu đãi hiệu quả, không có nợ quá hạn.
Cũng ở xã Bình Tân, ông Đinh Hồng Sâm người Bana, xóm 1 thôn M6, cho biết, trong hành trình thoát nghèo của mình ông luôn nhận được sự hỗ trợ của nguồn vốn NHCSXH. Đầu tiên là gia đình được vay vốn 5 triệu đồng dành cho hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số để trồng điều và ngô, đến năm 2004, niềm vui còn lớn hơn khi gia đình ông xây được căn nhà kiên cố nhờ NHCSXH cho vay chương trình hộ nghèo làm nhà ở. Hiện nay cuộc sống gia đình ông Sâm đã ổn định với vườn điều cho thu nhập hàng năm và có 4 con bò. Ông Sâm cũng là thành viên tổ bảo vệ rừng của xã và luôn vận động bà con bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống.
Bước đột phá từ Chỉ thị 40
Trao đổi với chúng tôi về tín dụng chính sách xã hội, ông Nguyễn Văn Thành – Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân cho hay, dư nợ NHCSXH tại xã đạt 41 tỷ đồng, tăng 15 tỷ đồng với 800 hộ còn dư nợ.
Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW vốn tín dụng chính sách xã hội được các cấp ủy đảng chú trọng, trong đó bí thư chi bộ thôn đã vào cuộc mạnh mẽ cùng các hội đoàn thể giúp nguồn vốn ưu đãi thêm hiệu quả. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị đã giúp hơn 150 hộ gia đình thoát nghèo, hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 300 lao động trên địa bàn… chất lượng tín dụng ngày càng cải thiện rõ rệt. Đảng ủy, UBND xã luôn chỉ đạo các tổ chức đoàn thể làm ủy thác tập trung thu hồi nợ quá hạn, hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay vào các mô hình hiệu quả như nuôi bò 3B, bò thịt, mô hình trồng cây keo, trồng cây la gim…
Ông Đinh Hồng Sâm, người Bana chia sẻ với cán bộ NHCSXH, hội đoàn thể về việc sử dụng vốn vay để nuôi bò sinh sản |
Đánh giá tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 21,14% năm 2015 xuống còn 8,33% năm 2019, ông Thành khẳng định, các chương trình cho vay của NHCSXH sẽ tiếp tục hỗ trợ cho xã hoàn thiện các tiêu chí để về đích nông thôn mới trong năm nay. “Về phía Đảng ủy, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, tăng khả năng tiếp cận hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, không để nợ xấu phát sinh; Phấn đấu cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 4%. Đối với công tác phối hợp giải ngân vốn vay, chúng tôi chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội thực hiện đầy đủ nội dung các công đoạn ủy thác, củng cố kiện toàn hoạt động tổ TK&VV để đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả”, ông Thành nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thủy – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tây Sơn cho biết, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của NHCSXH tỉnh Bình Định, Huyện ủy và UBND huyện, các hội đoàn thể, phòng giao dịch huyện đã khắc phục khó khăn, luôn hoàn thành chỉ tiêu tín dụng đề ra. Hoạt động chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại. Thông qua nguồn vốn vay tín dụng chính sach xã hội đã tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, ngăn chặn nạn tín dụng đen, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Thủy, với các chương trình tín dụng chính sách đang được phòng giao dịch NHCSXH huyện Tây Sơn thực hiện cho nhiều đối tượng với mục tiêu đa dạng, đã tạo nên bước đột phá về cải thiện điều kiện sống, giáo dục, môi trường và việc làm cho người nghèo, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.