Đào tạo nhân lực ngành công nghệ thông tin: Cần sự liên minh giữa các doanh nghiệp
Nhiều cơ hội được mở ra
Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ trong khi nhân lực ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu, các DN trong nước đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cũng như số lượng nhân lực cho các DN trong bối cảnh hiện nay. Ông Hoàng Việt Thắng, đại diện Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX cho rằng, sức mạnh hợp tác giữa các đơn vị trong nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng số sẽ mang lại thành công cho ngành CNTT trong thời gian tới.
Bản cam kết giữa các doanh nghiệp |
Trong những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành CNTT tăng cao khi Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số, công nghệ 4.0, các DN mới trong lĩnh vực CNTT ra đời ngày càng nhiều, dẫn đến cạnh tranh khốc liệt, nhu cầu về nhân lực không đáp ứng đủ. Thống kê từ TopDev - trang tuyển dụng về công nghệ phần mềm cho thấy, nhu cầu nhân lực CNTT tăng nhưng thị trường lao động lĩnh vực này tại Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng. Năm 2021, số lượng nhân lực CNTT cần là 500 nghìn người nhưng vẫn thiếu hụt 190 nghìn người. Theo TS. Nguyễn Thành Nam – thành viên sáng lập FUNiX, Việt Nam đang thiếu trầm trọng nhân lực CNTT, cả về số lượng và chất lượng. Trong 3 năm gần đây, số việc làm CNTT tăng 47% nhưng nguồn cung nhân lực truyền thống chỉ tăng 8% mỗi năm. Trong khi đó các trường đại học cao đẳng có giấy phép đào tạo chính thống về CNTT chỉ cung cấp được 40% nhu cầu thực tế. Điều này dẫn đến rất nhiều cơ hội bị bỏ lỡ. Trước cuộc CMCN 4.0, khi nhu cầu nhân sự ngày càng cấp thiết, các DN đã tự xoay xở, các đơn vị đào tạo phi truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều để theo kịp nhu cầu thực tế.
Trên thực tế, nhân lực CNTT đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt từ sau dịch Covid-19, các DN đều phải đầu tư vào nền tảng công nghệ. Do đó nhu cầu nhân lực trong ngành này chưa bao giờ giảm nhiệt.
Ông Đinh Anh Huân, Chủ tịch HĐQT công ty Seedcom cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid, nhu cầu ứng dụng công nghệ trong các DN là vô cùng lớn. Hầu như DN nào cũng cần triển khai số hóa, cũng cần sử dụng các hệ thống và tuyển dụng nhân lực CNTT. Hiện tại khoảng cách giữa cung – cầu về nhân lực đang khá lớn. Hiện nay trên thế giới, có rất nhiều DN ở nước ngoài tìm kiếm nhân lực Việt Nam. Seedcom cũng đang từng bước đẩy mạnh phát triển và mở rộng quy mô hoạt động nên nhu cầu về nhân lực, nhất là nhân lực về CNTT rất lớn. Để đáp ứng đủ nhu cầu, công ty cũng phải tuyển từ nhiều lĩnh vực khác nhau như bán hàng, marketing, tiếng Anh…
“Chúng tôi xác định phải có nền tảng tốt về công nghệ để có thể phát triển, kinh doanh hiệu quả. Mục tiêu đến năm 2023, con số này sẽ là 400 người”, ông Đinh Anh Huân cho biết thêm.
Liên kết giữa các doanh nghiệp
Hiện nay, trong các lĩnh vực công nghệ giàu tiềm năng như mobile game, blockchain, IoT, AI… các chuyên gia đều đánh giá Việt Nam có đủ tiềm năng và cơ hội để cạnh tranh trên thị trường thế giới, thậm chí là nguồn cung cấp nhân sự giỏi cho thế giới. Tuy nhiên để làm được điều này cần thiết phải xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực CNTT chất lượng.
Việt Nam hiện có 236 trường đại học, trong đó có 149 trường đang đào tạo về CNTT, hàng năm cung cấp hơn 50 nghìn kỹ sư CNTT. Bên cạnh đó, còn có 412 trường đạo tạo nghề CNTT bậc cao đẳng và trung cấp, hàng năm cung cấp khoảng 12 nghìn nhân lực cho ngành. Ngoài ra còn có các trường công lập, khu vực tư nhân cũng đang đầu tư rất mạnh cho lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực CNTT.
Gần 100 đại diện DN, đơn vị đào tạo phi truyền thống đã cùng ký kết vào bản cam kết trên, đồng thời bày tỏ sự đồng thuận sâu sắc, tin tưởng vào sức mạnh hợp tác giữa các đơn vị trong nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng số. |
Ông Nguyễn Đức Tài, Giám đốc điều hành CTCP Lumi Việt Nam chia sẻ, là thương hiệu “Nhà thông minh hàng đầu Việt Nam”, công ty đang phải cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu trong nước và với nhiều DN nước ngoài lớn mạnh. Nhà thông minh Lumi thành lập năm 2012 với ba sáng lập viên và 5 kỹ sư. Đến nay công ty có hơn 100 nhân sự với 6 văn phòng, một nhà xưởng, hàng trăm đối tác. Công ty đã nghiên cứu, phát triển và phân phối giải pháp nhà thông minh tại Việt Nam và xuất khẩu tại Ấn Độ, Singapore, Australia, Thái Lan… Thiết bị nhà thông minh Lumi có mặt khắp các công trình, nhà ở, căn hộ cả nước và xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Để vận hành và ứng dụng các công nghệ mới nhất rất cần đội ngũ nhân lực CNTT chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. DN thường mất hàng năm trời để tuyển - đào tạo mới các kỹ sư IoT phục vụ cho những dự án công nghệ. Chính vì vậy, DN quyết định hợp tác cùng FUNiX mong muốn có thể đóng góp vào lời giải cho bài toán nhân sự IoT cũng như nhu cầu tuyển dụng CNTT của các DN Việt trong kỷ nguyên 4.0.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, đến hết năm 2020, tổng số nhân lực tham gia hoạt động trong ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam đã cán mốc 1 triệu người. Nhân lực đang là động lực chính để ngành công nghiệp CNTT Việt Nam phát triển nhanh chóng, nên ngay cả khi đạt mốc 1 triệu nhân lực, thì các DN trong ngành vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng.
TS. Nguyễn Thành Nam của FUNiX nhấn mạnh, các công việc trong ngành tăng trưởng tới 47% những năm qua, nhưng các đơn vị đào tạo chính thống về CNTT chỉ cung cấp được khoảng 40% nhu cầu thực tế. Chính vì thế, sự hợp tác giữa các DN, các đơn vị đào tạo phi truyền thống là hướng đi đúng đắn giúp lấp đầy khoảng trống nhân sự, cũng chính là những cơ hội trong ngành IT mà Việt Nam đã bỏ lỡ suốt nhiều năm qua. Đặc biệt, để tận dụng được “vận hội” và những tiềm năng đó, cần sự liên minh giữa các DN, đơn vị.