Đầu tư hạ tầng dẫn dắt FDI vốn lớn
Thời cơ vàng để Việt Nam thu hút FDI từ EU | |
Thu hút đầu tư nước ngoài: Đường sẽ gập ghềnh hơn | |
Doanh nghiệp FDI vẫn khó tìm nhà cung cấp thiết bị phụ trợ |
Thời gian qua nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm tới các dự án trong lĩnh vực này, cộng thêm việc nền kinh tế qua giai đoạn khó khăn, dự án FDI vốn lớn nhiều khả năng sẽ quay trở lại.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu trong thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,9 tỷ USD, chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với hơn 3,87 tỷ USD, chiếm 17,2%.
Hạ tầng cảng biển là lĩnh vực hứa hẹn thu hút vốn FDI lớn trong tương lai. |
Đáng nói, trong 3 năm trở lại đây, các dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng hầu hết thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, trong khi không có bóng dáng của dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Điều này là rất dễ hiểu, bởi thông thường với các “dự án tỷ đô” trong lĩnh vực này, việc đàm phán điều khoản trong hợp đồng thường phức tạp và mất nhiều thời gian hơn so với các lĩnh vực khác. Trong khi đó, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên từ năm 2020 tới nay, việc đi lại, tìm hiểu môi trường đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vẫn gặp rất nhiều hạn chế.
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội khoá XIII, XIV - Đoàn TP.HCM, nhu cầu đầu tư hạ tầng của cả nước nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng rất lớn. Với quy mô nền kinh tế còn nhỏ, khả năng tích luỹ hạn chế, việc dành ngân sách cho các dự án hạ tầng sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu trên cả nước. Vì vậy từ lâu Chính phủ đã đặt ra các kế hoạch huy động vốn ngoài ngân sách, trong đó có vốn đầu tư nước ngoài rót vào dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Điển hình là Quyết định 1821/QĐ-TTg ngày 1/11/2021 của Chính phủ ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 với 157 dự án thuộc các lĩnh vực hạ tầng giao thông; hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng năng lượng; hạ tầng công nghệ thông tin; hệ thống xử lý rác, nước thải; hạ tầng giáo dục và y tế…
Ông Nghĩa cho biết, rất nhiều dự án đã nhận được sự quan tâm, tìm hiểu của nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình là dự án tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ được đề xuất xây dựng trước năm 2030 với kinh phí khoảng 7 tỷ USD đang có 2 nhà đầu tư đến từ Mỹ và Vương quốc Anh đề xuất đầu tư, vận hành 25 năm để hoàn vốn, sau đó chuyển giao lại cho cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục khai thác.
Với cảng trung chuyển cửa ngõ quốc tế Cần Giờ có tổng mức đầu tư lên tới 4,4 tỷ USD, trong công văn gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Giao thông - Vận tải cùng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã khẳng định muốn cùng với Mediterranean Shipping Company (MSC) - hãng tàu container lớn nhất thế giới và công ty thành viên là Terminal Investment Limited (TIL) hợp tác.
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giao thông - Vận tải cũng lên kế hoạch kêu gọi vốn ngoài ngân sách với nhu cầu vốn lên tới gần 300.000 tỷ đồng cho 7 dự án/cụm dự án.
Các chuyên gia nhìn nhận trong bối cảnh nguồn lực của doanh nghiệp tư nhân trong nước hữu hạn việc kêu gọi vốn nước ngoài là giải pháp tối ưu hiện nay. Các đối tác này không chỉ có tiềm lực tài chính mạnh, mà còn có kinh nghiệm vận hành thực tế, đảm bảo sẽ khai thác hiệu quả sau khi dự án đi vào hoạt động. Như đối với lĩnh vực hàng hải, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới về vận tải và điều hành, khai thác cảng biển đã có mặt tại Việt Nam từ lâu để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cùng cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức năm 2021 đang thúc đẩy việc thu hút vốn FDI vào các dự án năng lượng tái tạo. Từ đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo từ các nước láng giềng như Singapore, Thái Lan… đã sang Việt Nam tìm hiểu để đặt vấn đề xây dựng nhà máy mới, hoặc mua lại các dự án đang vận hành.
Các nhà đầu tư truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay nhà đầu tư chất lượng cao như châu Âu, Hoa Kỳ cũng bày tỏ mong muốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khẳng định, các doanh nghiệp châu Âu đang đặc biệt quan tâm tới phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Eurocham đang xúc tiến để có thể tiếp tục đưa thêm những nhà đầu tư năng lượng điện gió, điện mặt trời từ châu Âu đến Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia để hiện thực hoá các kế hoạch này, thì chính sách đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư (PPP) cần được sử dụng hiệu quả hơn trong thời gian tới. Cụ thể là để huy động vốn tư nhân nước ngoài hay trong nước, thì nhà nước cần có nguồn vốn mồi.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết thêm, thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư kết cấu hạ tầng luồng hàng hải, nhờ đó đã tạo thuận lợi cho việc thu hút vốn tư nhân trong nước và FDI vào các dự án cảng biển. Điều này cho thấy để thu hút vốn lớn vào các dự án hạ tầng, cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ áp dụng cho mỗi dự án cụ thể, trong đó ưu tiên các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực cho các dự án trọng điểm, tránh việc áp dụng đồng loạt, dàn trải.